Ai Cập sau khi Tổng thống Mubarak từ chức: Hiệu ứng domino sẽ xảy ra?

Ngày 12-2, Hội đồng quân sự tối cao đã phát Thông cáo số 4, tuyên bố không hủy bỏ mọi hiệp ước quốc tế, bảo đảm thời kỳ quá độ hòa bình tiến đến bầu chính quyền dân sự, yêu cầu chính phủ tiếp tục làm việc, đồng thời kêu gọi người lao động làm việc bình thường.

Quân đội cũng đã giảm giờ giới nghiêm 4 tiếng và cấm các quan chức và cựu quan chức chính phủ rời Ai Cập.

Đài truyền hình loan báo thị trường chứng khoán Cairo sẽ mở cửa lại vào ngày 16-2 (đóng cửa từ hôm 27-1). Xe tăng đã rút khỏi quảng trường Tahrir.

Sau khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức và trao quyền cho Hội đồng Quân sự tối cao, quyền tổng thống lâm thời thuộc về Bộ trưởng Quốc phòng Hussein Tantawi.

Tổng thống Mubarak phải từ bỏ ghế tổng thống chỉ 27 ngày sau khi làn sóng biểu tình ở Tunisia buộc Tổng thống Ben Ali sống lưu vong. Theo cựu đại sứ Israel tại LHQ Dan Gillerman, có nhiều khả năng hiệu ứng domino sẽ xảy ra.

Ai Cập sau khi Tổng thống Mubarak từ chức: Hiệu ứng domino sẽ xảy ra? ảnh 1

Người dân Ai Cập dọn dẹp rác sau vụ biểu tình

CIA Mỹ đã lập đội đặc nhiệm gồm 35 người nghiên cứu khả năng nguyên thủ quốc gia nào ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ ra đi tiếp theo. Theo CIA, khả năng này có thể xảy ra ở Saudi Arabia, Jordan và Yemen. Đáng chú ý nhất là Yemen. Từ giữa tháng 1, hàng chục ngàn người đã biểu tình đòi Tổng thống Ali Abdallah Saleh ra đi (cầm quyền 33 năm nay).

Tuy nhiên, giám đốc Công ty Country Risk Solutions (Giải pháp cho đất nước bị rủi ro) của Mỹ Daniel Wagner lại cho rằng hiệu ứng domino khó xảy ra vì các thể chế chính trị đã tồn tại hàng chục năm khó tan rã trong vài tuần hoặc vài tháng. Ông cho rằng biểu tình ở Ai Cập kéo dài đến 18 ngày vì quân đội không ra tay giải tán và điều này khó xảy ra ở các nước khác.

Cựu đại sứ Israel tại Ai Cập Eli Shaked, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Binyamin Ben-Eliezer và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều lo ngại Ai Cập sẽ trở thành một Iran thứ hai nếu các tổ chức Hồi giáo cực đoan cầm quyền.

Ai Cập giữ vai trò quan trọng trong đàm phán hòa bình giữa Israel với Palestine cũng như với các nước Ả rập. Bởi thế, ngày 11-2, người phát ngôn văn phòng tổng thống Mỹ Robert Gibbs tuyên bố yêu cầu chính phủ sắp tới của Ai Cập phải tôn trọng hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel. Canada, Đức cũng đưa ra yêu cầu tương tự.

Theo báo Los Angeles Times (Mỹ) ngày 11-2, quân đội Israel có thể sẽ tăng cường ở biên giới Ai Cập bởi Hamas ở dải Gaza và Hezbollah ở Lebanon vỗ tay reo mừng Tổng thống Mubarak ra đi.

Mỹ cũng có thể thay đổi chiến lược ở Trung Đông bởi Ai Cập giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở đây. Mỹ nhờ cậy nhiều vào Ai Cập tại khu vực, đồng thời cũng xem Ai Cập là đối trọng với Iran trong khu vực.

Báo Daily Telegraph (Anh) dè dặt dự báo sự kiện ông Mubarak từ chức có thể đánh dấu khủng hoảng bắt đầu tại Ai Cập chứ không phải đã kết thúc khủng hoảng.

Ngày 12-2, hàng ngàn người đã tập trung tại quảng trường 1 tháng 5 ở thủ đô Algiers (Algeria) để biểu tình đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, cải cách chính phủ và tạo công ăn việc làm. Khoảng 30.000 cảnh sát chống bạo động đã triển khai ở trung tâm thủ đô và giải tán biểu tình nhằm tránh lặp lại kịch bản như Ai Cập. Số lượng cảnh sát đông hơn cả người biểu tình. Ông Bouteflika cầm quyền 12 năm nay. Tình trạng khẩn cấp được ban bố 19 năm nay. Mọi hình thức tụ tập đều bị cấm.

ĐĂNG KHOA(Theo AP, Los AngelesTimes, Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm