Ai chấp nhận lý giải: Đã thi công, ắt phải có “hố tử thần”?!

Sau vụ “hố tử thần” bẫy chiếc xe đầu kéo lật ngang trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP.HCM), mới đây, nhiều “hố tử thần”. liên tục xuất hiện rải rác trong thành phố.

Bốn ngày có một hố

Cách đây vài ngày, tại điểm giao nhau giữa Xô Viết Nghệ Tĩnh-D5 (phường 26, quận Bình Thạnh) xuất hiện lỗ thủng có đường kính rộng khoảng 15 cm. Chưa hết, sau cơn mưa lớn đêm 10-10, một mảng đường rộng khoảng 0,5 m2 tại giao lộ Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Bến Nghé, quận 1) bỗng sụt sâu nửa mét.

Thống kê của Sở GTVT cho thấy có 22 “hố đen tử thần” đã xuất hiện từ tháng 7 đến ngày 18-10, hầu hết tại các tuyến đường vừa lắp đặt cống thoát nước. Theo Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT, nguyên do các đơn vị thi công thực hiện không đúng quy trình, gây hở mối nối giữa các cống thoát nước, làm nước xì ra bên ngoài tạo ra hiện tượng xói lở. Qua thời gian, nước chảy cuốn trôi đất đá, tạo hàm ếch dưới nền đường và chực bẫy người dân khi lưu thông. Kỹ sư giám sát dự án của tư vấn giám sát Nguyễn Hoa Bằng cũng cho biết có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do nhà thầu tái lập cẩu thả.

Tái lập tạm bợ, thi công không kỹ

Báo cáo của ông Bằng mới đây dẫn chứng tại hẻm 386 Lê Văn Sỹ, do cống dẫn dòng tạm là cống cũ nên mưa lớn tạo dòng chảy ngầm trong cống phá vỡ kết cấu cống gây ra lún sụt mặt đường vào giờ cao điểm, tạo nên một vụ sụp hố. Còn vụ sụp hố ở ngã tư Phú Nhuận là do nhà thầu chỉ xây tạm tường gạch chặn đầu cống.

Ai chấp nhận lý giải: Đã thi công, ắt phải có “hố tử thần”?! ảnh 1

Mặt đường Hai Bà Trưng bị sụp thành hố vào trưa ngày 20-10. Ảnh: V.THUẬT

Kế đến, do cọc ván thép chống vách mương đào không kín, khít. Khi thi công, nhà thầu sử dụng cừ thép để gia cố hố đào giữ thành vách chống sạt lở. Do phải giữ nguyên hiện trạng công trình ngầm nên không thể khép kín cọc. Lâu ngày nước ngầm xói mòn đất cát. Đến khi rút cọc cừ, nhà thầu không đầm nén cục bộ nên các lỗ xói mòn làm mặt đường bị lún. Ngoài ra, còn có hai lý do nữa là các tuyến cống vừa được thi công vừa sử dụng; mặt đường chưa hoàn thiện đã phải cho xe lưu thông…

Lẽ nào không thể ngăn chặn?

Theo thống kê, từ đầu năm 2008 đến nay, thành phố đã lắp đặt gần 200 km đường cống thoát nước loại lớn, đường kính 2.000 mm. Tuy nhiên, chất lượng thi công vừa nêu luôn tiềm ẩn nguy cơ tạo thành “hố đen tử thần”.

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: “Ngoài lý do thi công cẩu thả còn một lý do là trên địa bàn thành phố còn cả ngàn kilômét đường ống thoát nước được xây dựng cách đây hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm, đã rệu rã nên dù có thi công và tái lập mặt đường đạt chuẩn cũng khó tránh khỏi nguy cơ mặt đường bị sụt”.

Ngoài ra, theo ông Toàn, khi thi công, việc đóng cừ thép gia cố sẽ tạo ra rung lắc khiến các tuyến cống cũ bị xì, hở mối nối. Khi mưa lớn, áp lực nước bên trong các tuyến cống tăng lên khiến cống cũ càng dễ bị bục mối nối hoặc vỡ. Những đợt “sóng ngầm” này nằm sâu trong lòng đất, len lỏi, cuốn trôi đất đá, tạo thành những hàm ếch dễ làm mặt đường sụp xuống bất cứ lúc nào.

Hố đen mới

Trưa 20-10, trên đường Hai Bà Trưng, đoạn gần ngã tư Võ Thị Sáu (phường Tân Định, quận 1) xuất hiện một hố sâu rộng khoảng 2 m2. Nguyên do, đường ống cấp nước phi 40 mm bị tuột mối nối khiến nước chảy ra làm xói mòn đất, khiến bên dưới mặt đường bị hở hàm ếch. Đường ống này do Công ty Cấp nước Bến Thành quản lý. Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản, yêu cầu Công ty Cấp nước Bến Thành nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục ngay sự cố để đảm bảo an toàn giao thông.

“Lu lèn đúng kỹ thuật thì đâu đến nỗi”

Không cần phải chờ “vài năm sau” vì việc tái lập phui đào không đòi hỏi phải sử dụng kỹ thuật cao. Nếu nhà thầu lu lèn đúng biện pháp kỹ thuật theo thiết kế thì tình trạng sụt lún sẽ ít xảy ra. Việc này đòi hỏi phía tư vấn giám sát phải giám sát xuyên suốt thời gian tái lập. Còn bảo do thi công tác động lên các hệ thống ngầm khiến bị bể nên dẫn đến sụt mặt đường thì theo tôi, chưa phức tạp đến mức đó.

Cốt của thành phố thấp so với mặt nước biển nên mạch nước ngầm đầu nguồn chảy ngang dưới lòng đất rất mạnh. Địa chất thành phố trước đây là ao đầm; đường sá, công trình xây dựng đều dùng đất cát để đắp cao. Do đó, khi đào đường xong mà tái lập không đúng quy trình kỹ thuật thì nước ngầm kéo đất từ nơi này đi nơi khác là chuyện hiển nhiên.

Ông PHAN PHÙNG SANH,
Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP

MINH PHONG - VĂN THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm