Ở chiều ra chúng tôi mua vé toa giường nằm, tàu SE2 đi vào 22 giờ ngày 24 Tết với giá 2,4 triệu đồng/giường ngay tại quầy vé của Ga Sài Gòn.
Nhân viên bán vé nói với chúng tôi vé này đã có tính phí cơm nước ngày ba bữa, tàu chạy suốt không phải lo chuyện ăn uống. Tuy nhiên, khi lên tàu, tàu chạy trễ gần hai giờ đồng hồ, dừng ở nhiều ga chứ không chạy suốt nên đến trễ hơn gần bốn giờ so với quy định.
Trong suốt gần hai ngày trên tàu, gia đình tôi không được phục vụ bữa ăn nào, kể cả phát nước uống hay khăn lạnh, mà nhân viên của tàu đẩy xe đi bán đồ ăn liên tục.
Hỏi những hành khách đi cùng, có người cho biết chỉ được phát hai chai nước chứ không có ăn uống gì. Khi hỏi nhân viên phục vụ toa và trưởng tàu, chúng tôi được giải thích từ tháng 1-2019 Công ty Đường sắt Việt Nam đã không còn phục vụ bữa ăn miễn phí cho hành khách nữa. Chúng tôi mua vé từ năm 2018, đã tính luôn phí ăn uống vào vé nhưng không được thông báo gì về việc không phục vụ cơm nước này.
Tuy nhiên, những thắc mắc trên so với thỏa thuận ban đầu khi mua vé gia đình tôi đều có thể bỏ qua vì chuyến đi thoải mái. Toa xe sạch sẽ, rộng rãi, trẻ con có thể chạy chơi trong hành lang toa xe, người lớn có thể đứng ngắm cảnh thư giãn. Nhân viên tàu thường xuyên làm vệ sinh toa, không nhồi nhét khách làm phiền khách mua vé chính thức.
Song chuyến về từ Hà Nội đến TP.HCM của chúng tôi là một trải nghiệm kinh khủng. Do hết vé, chúng tôi được thuyết phục mua vé chuyển đổi từ một giường nằm thành ba ghế ngồi với giá 1.880.000 đồng/chỗ. Nhân viên nói ngồi như vậy sẽ rộng rãi, riêng tư, sạch sẽ hơn toa ghế ngồi mềm, máy lạnh.
Chúng tôi đồng ý mua, một giường thành ba chỗ ngồi gồm hai vợ chồng và con nhỏ với giá 1.880.000 đồng x 3 = 5.640.000 đồng, tàu SE1, đi lúc 22 giờ 20 mùng 5 Tết, toa số 11. Khi vào toa, tôi thấy giường đối diện cũng được bán với giá như vậy cho ba người lớn có hai trẻ em đi kèm.
Hai giường tầng trên toa chúng tôi là một gia đình khác gồm hai vợ chồng, hai đứa trẻ. Tổng cộng trong toa này có bảy người lớn và năm trẻ em, rất chật chội, ngột ngạt.
Tối đến, những gia đình có đông người trên giường còn tranh thủ lối đi hẹp trong toa trải chiếu ngủ. Không chỉ vậy, cứ mỗi ga tàu dừng là nhân viên toa lại nhận thêm khách, gọi là ghế phụ. Càng ngày hành lang tàu càng chật cứng người.
La liệt người lớn và trẻ con trải chiếu nằm, ngồi ở hành lang, cản cả đường vào phòng vệ sinh. Khó khăn nhất là về đêm khi đi vệ sinh vì lối đi không còn chỗ chen chân, nhiều người trải chiếu ngủ trên hành lang, phải bước qua họ mới di chuyển được.
Biết là dịp Tết, lượng khách đông hơn ngày thường nhưng không thể chấp nhận việc nhồi nhét khách quá nhiều như vậy. Toa chúng tôi thuộc loại toa phải trả giá tiền vé cao mà còn như vậy, những toa khác cũng chẳng khá hơn.
Dịp lễ, Tết nào các phương tiện báo chí đều phản ánh việc nhồi nhét khách trên các tuyến xe khách đường dài. Lực lượng CSGT cũng đã chốt chặn, kiểm tra, xử lý nhanh chóng việc nhồi nhét khách này.
Vậy còn việc nhận lượng khách đông hơn bình thường trên các chuyến tàu hỏa trong dịp Tết thì sao? Ai sẽ kiểm tra, xử lý tình trạng hành khách phải chịu cảnh chật kín người trong các toa, hành lang trên tàu hỏa?