Ngày 25-1, TAND quận 1 (TP.HCM) tiếp tục phiên xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Nguyên đơn là ông Lê Phong Linh, bị đơn là Công ty TNHH TM-DV-KT và Phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị.
Ai là tác giả thực sự?
Theo đó, bộ truyện tranh này từng được nhiều người yêu thích ra đời từ sự hợp tác giữa ông Linh và Công ty Phan Thị. Khi hai bên xảy ra mâu thuẫn, ông Linh khởi kiện yêu cầu xác định ông là tác giả duy nhất của các hình tượng nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện từ tập 1 đến 78; yêu cầu Công ty Phan Thị không được làm các biến thể của các nhân vật từ các tập tiếp theo và đề nghị bà Hạnh phải xin lỗi công khai ông và độc giả...
Phía bị đơn thì cho rằng ông Linh không phải là tác giả các tập truyện mà là bà Hạnh hình dung ra các nhân vật nhưng do bà vẽ không đẹp nên mới thuê ông Linh vẽ cho đúng hình ảnh nhân vật. Nếu không phải ông Linh thì người khác cũng có thể vẽ khi được bà Hạnh đồng ý.
Tại tòa, trả lời về việc trong tập 24 của bộ truyện có ghi tên tác giả là Công ty Phan Thị, ông Linh xác nhận khi phát hiện ra điều này ông đã không đồng ý. Vì thế những tập sau này ông cũng chú ý đến vấn đề về tác quyền để xây dựng hình ảnh với công chúng. Đặc biệt trong tập 37, ông Linh được giới thiệu là tác giả sáng tác truyện này.
Sau đó ông Linh cũng cung cấp cho HĐXX những bản vẽ phác họa ban đầu về hình tượng bốn nhân vật trong bộ truyện. Ông nói ai là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm thì người đó mới là tác giả, bà Hạnh không tham gia bất kỳ công đoạn nào của quá trình sáng tác.
Để chứng minh Công ty Phan Thị là tác giả hợp pháp của tập truyện, ông Nguyễn Vân Nam (đại diện bị đơn) khẳng định bà Hạnh là người đã trực tiếp “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ”. Ông Nam đã đưa ra một tập tài liệu để chứng minh ý tưởng ban đầu cho hình tượng các nhân vật nêu trên. Ngoài ra, theo biên bản hòa giải ngày 16-8-2010, bà Hạnh là người nêu ý tưởng về nhân vật và thuê ông Linh để vẽ ra đúng như yêu cầu của bà Hạnh.
Cũng theo ông Nam, trong văn bản ngày 29-3-2002 gửi Cục Bản quyền tác giả để đăng ký bản quyền, không có nội dung nào cho thấy ông Linh xác nhận bà Hạnh là đồng tác giả mà chỉ đề cập toàn bộ quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị.
Nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh và đại diện bị đơn (đứng) tại tòa. Ảnh: CHUNG VƯƠNG
Tranh luận căng thẳng
Tranh luận tại tòa, luật sư (LS) của ông Linh cho rằng theo Nghị định số 22/2018 của Chính phủ thì tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật. Mọi tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tài liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm thì không được công nhận là tác giả.
“Họa sĩ Lê Linh là người đã trực tiếp sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật nói trên từ lúc phác họa đến khi hoàn thiện để rồi đi đăng ký giấy chứng nhận bản quyền tác giả” - LS nói.
Cũng theo phía nguyên đơn, nếu vẽ nhái lại hình tượng nhân vật mẫu thành các biến thể mà không được phép của ông Linh (ngay cả khi ông Linh là đồng tác giả) sẽ bị coi là xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ. Mặt khác, chủ sở hữu cũng phải tôn trọng những quyền khác như quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm.
Tranh luận lại, ông Nam nói: “Xin hỏi như thế nào là biến đổi xâm phạm đến quyền nhân thân?”. Ông Linh trả lời: “Sử dụng mà không hỏi tác giả thì đó là xúc phạm đến quyền nhân thân”. Ông Linh cũng cho biết ông chỉ chuyển quyền sở hữu chứ không chuyển quyền tác giả.
Tình tiết đáng chú ý tại tòa là ông Linh đã bật khóc nói: “Mong HĐXX xem xét đưa ra phán quyết công bằng vì tôi đã theo vụ kiện này 12 năm, vụ việc này cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến gia đình, mạng sống của tôi…”.
HĐXX tuyên bố tạm ngưng, phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 1-2 (tức 27 Tết nguyên đán) với phần phát biểu quan điểm của VKS, sau đó HĐXX nghị án và tuyên án.
HĐXX phải lưu ý nhắc nhở nhiều lần Tại tòa đại diện của bị đơn đặt ra liên tiếp nhiều câu hỏi cho ông Linh nhưng hầu hết ông Linh không trả lời mà để LS của mình trả lời thay. Tuy nhiên, đại diện của bị đơn đã đặt nhiều câu hỏi không đúng trọng tâm nên bị chủ tọa nhắc nhở nhiều lần. Sau khi nhắc nhở, vị chủ tọa yêu cầu: “Đề nghị LS tôn trọng HĐXX”. Thậm chí trong phần hỏi tại tòa, đại diện bị đơn còn nhờ HĐXX trả lời câu hỏi giúp mình. chủ tọa phiên tòa lại phải lưu ý đại diện của bị đơn tôn trọng HĐXX và khẳng định HĐXX không có nghĩa vụ trả lời câu hỏi của ông. |