AI sẽ thay Picasso?

AI sẽ thay Picasso?

(PLO)- Một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay con người sáng tác những tác phẩm nghệ thuật kinh điển như những danh họa Picasso, Leonardo da Vinci đã từng?

Trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu đã không còn là một khái niệm xa lạ với nhân loại. Gần đây, AI đem lại tiếng vang mới trong một lĩnh vực tưởng chừng chỉ thuộc về con người: đó là Nghệ thuật, cụ thể hơn là hội họa số (digital painting).

CÂY BÚT THẦN MÃ LƯƠNG KHÔNG CÒN LÀ CỔ TÍCH

Xuất hiện lần đầu tiên năm 1973 với phần mềm vẽ tranh tự động AARON của nghệ sĩ người Anh Harold Cohen, hội họa số khởi tạo bởi AI đã tiến một bước dài với sự ra đời của các mô hình xử lý ngôn ngữ, cho phép AI hiểu được nội dung mà người dùng cần truyền tải. Áp dụng công nghệ đó, một loạt công cụ khởi tạo hình ảnh bằng mô tả như Dall-E, Midjourney hay Stable Diffusion ra đời trong hai năm trở lại đây đang “làm mưa làm gió” đối với cục diện lĩnh vực hội họa này.

Người dùng bây giờ chỉ cần nhập vào phần mềm gợi ý về tác phẩm mong muốn của mình và AI sẽ đưa ra các hình ảnh đề xuất. Sau đó người dùng lựa chọn các hình ảnh như ý và phản hồi lại để AI tạo các phương án tiếp theo, cho tới khi đạt được thành phẩm. Họa sĩ cũng có thể vẽ phác thảo đơn giản làm dữ liệu đầu vào, mô tả lại bằng từ khóa và AI sẽ hỗ trợ tạo ra hình ảnh hoàn chỉnh như ý muốn mà không phải mất quá nhiều thời gian như trước. Quá trình sáng tác bằng AI đem đến nhiều góc nhìn và cách tiếp cận mới với mỗi ý tưởng độc đáo của người dùng. Câu chuyện về cây bút thần Mã Lương vẽ theo ý muốn bây giờ đã không còn là cổ tích.

Độc quyền thị trường sáng tạo hình ảnh số không còn nằm trong tay người họa sĩ. Tháng 9-2022, công cụ khởi tạo hình ảnh Midjourney AI đã vươn mình trở thành cộng đồng có lượng thành viên tham gia lớn nhất trên Discord, với hai triệu người tham gia và bằng lượng thành viên của hai cộng đồng từng đứng đầu là trò chơi điện tử Fortnite và Genshin Impact cộng lại. Cũng trong tháng 9, sản phẩm hình ảnh sản xuất bằng AI đầu tiên được ứng dụng trên sân khấu Lễ hội âm nhạc Sầm Sơn ở Việt Nam, đồng thời một bức tranh khác sử dụng AI đầu tiên thắng giải thưởng về hội họa số tại Colorado State Fair. Chất lượng tranh vẽ của Midjourney cải thiện liên tục cùng với sự tăng trưởng của lượng hình ảnh mới tạo ra cùng dữ liệu đánh giá được thu thập về từ cộng đồng người sử dụng. Từ nay, nhân loại có thể được chứng kiến những hình ảnh độc đáo xuất hiện từ ý tưởng của bất kỳ cá nhân nào.

Chỉ còn cần một cú hích để đại chúng ngả mình vào vòng tay của hội họa chân chính, đó chính là giáo dục và phổ cập mỹ thuật. Ảnh minh họa: INSYNCT MEDIA/ PEXELS

Chỉ còn cần một cú hích để đại chúng ngả mình vào vòng tay của hội họa chân chính, đó chính là giáo dục và phổ cập mỹ thuật. Ảnh minh họa: INSYNCT MEDIA/ PEXELS

TỪ SIÊU DỮ LIỆU ĐẾN TRANH CÃI TÁC QUYỀN

Để có thể tạo nên hình ảnh chỉ với từ khóa, các phần mềm AI sở hữu bộ cơ sở dữ liệu hình ảnh khổng lồ với số lượng lên tới vài chục triệu, thậm chí bộ cơ sở dữ liệu mới nhất do Google công bố sẽ chứa năm tỷ hình ảnh. Mỗi dữ liệu sẽ được gắn các từ khóa mô tả chính xác nội dung để cho phép AI sử dụng thuật toán phân rã (Diffusion model) xử lý câu lệnh đưa vào thành một tổ hợp hình ảnh có ý nghĩa. Nguồn cơ sở dữ liệu này được tổng hợp từ các trang web trưng bày hình ảnh như Pinterest, Artstation, Shutterstock, Getty Images… và được các dịch vụ này bán lại cho các công ty phát triển công nghệ AI. Cơ sở dữ liệu hình ảnh này cũng chính là nguồn cơn dấy lên tranh cãi giữa giới họa sĩ số và người sử dụng AI để sáng tác.

Vấn đề nóng hổi nhất với người nghệ sĩ khi sáng tác là tác quyền và vấn nạn ăn cắp chất xám, nhất là trong không gian trực tuyến, nơi chuyện sao chép và sử dụng trái phép tài sản sáng tạo xảy ra như cơm bữa. Các nghệ sĩ nước ngoài lẫn Việt Nam liên tục phát hiện ra hình ảnh tác phẩm của họ được xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của AI. Họ lên tiếng phản đối việc chất xám của mình đang được sử dụng để khởi tạo hàng triệu hình ảnh mỗi ngày trên các dịch vụ AI thu phí như Midjourney hay Dall-E, và người sử dụng tiếp tục thương mại hóa các tác phẩm phái sinh đó. Để giải quyết được vấn đề này, phải làm rõ hai câu hỏi: các dịch vụ AI có quyền sử dụng hình ảnh của họa sĩ hay không, và các tác phẩm do AI hỗ trợ tạo ra bởi ai?

Dữ liệu người dùng đã trở thành một món hàng béo bở của những tập đoàn công nghệ thông tin. Khi các họa sĩ nhanh tay bấm đồng ý với các điều khoản hoạt động của các dịch vụ này, họ vô tình cho phép dữ liệu của mình được thu thập, mua bán với lợi nhuận khổng lồ. Các công ty cung cấp dịch vụ AI mua lại và có toàn quyền sử dụng với hình ảnh họa sĩ đăng trên mạng xã hội. Với khả năng trộn lẫn hình ảnh mạnh mẽ, AI có thể được sử dụng vào mục đích xấu như sao chép tranh tinh vi hơn, giả dạng, đánh cắp danh tính. Hiện nay đã có nhiều diễn đàn và sự kiện về hội họa trên thế giới đã cấm các hình ảnh khởi tạo bằng AI tham gia để tránh các rắc rối về bản quyền.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò vật lý của người sử dụng công cụ AI một cách chân chính. Họ có dụng ý nghệ thuật và câu chuyện nên tác phẩm vẫn mang trọn tính cá nhân của người sáng tác, với những gửi gắm riêng trong câu lệnh mô tả, với hình dung và lựa chọn hoàn toàn bởi người dùng. AI gióng lên một hồi chuông tươi mới đánh dấu một thời kỳ tiếp cận với sáng tạo hình ảnh có thể được phổ biến rộng rãi hơn tới những người dùng không có kỹ năng hội họa. Ý tưởng của mỗi cá nhân được truyền tải lại dưới một ngôn ngữ tượng hình mới của thời đại số. Và sản phẩm từ ý tưởng cá nhân do người dùng sở hữu.

Sản phẩm hình ảnh chim lạc sản xuất bằng AI đầu tiên được ứng dụng trên sân khấu Lễ hội âm nhạc Sầm Sơn ở Việt Nam (DMF) do Foresta – Arise tổ chức
Sản phẩm hình ảnh chim lạc sản xuất bằng AI đầu tiên được ứng dụng trên sân khấu Lễ hội âm nhạc Sầm Sơn ở Việt Nam (DMF) do Foresta – Arise tổ chức

CẦN MỘT CÚ HUÝCH CHO HỘI HỌA CHÂN CHÍNH

David Holz, nhà sáng lập Midjourney đã mô tả: Midjourney là những bông hoa, còn chúng ta là bầy ong lấy mật. Chỉ bằng các từ khóa và hình ảnh mà cộng đồng AI đang chia sẻ trên mạng xã hội, mỗi ngày có thêm hàng triệu người được tiếp cận với các khái niệm mỹ thuật thông qua các từ khóa mà trước đây họ chỉ có cơ hội biết tới nếu chủ động tìm kiếm giáo dục nghệ thuật. Một điều đáng ghi nhận là công cụ Midjourney cũng chặn toàn bộ các từ khóa có khả năng tạo ra kết quả gây công kích và khiêu dâm. Chỉ còn cần một cú huých để đại chúng ngã mình vào vòng tay của hội họa chân chính, từ đó nâng cao mặt bằng chung thẩm mỹ, hứa hẹn một tương lai “đẹp” hơn cho nhân loại.

Cú huých đó chính là giáo dục và phổ cập mỹ thuật. Khi người dùng được tự do cảm nhận sáng tạo nghệ thuật một cách dễ dàng bằng AI, họ dễ bị cuốn vào tư tưởng coi thường quá trình phát triển của hội họa, từ lịch sử mỹ thuật cho đến công sức tìm tòi, rèn luyện và sáng tác... Chỉ có việc phổ cập giáo dục lịch sử mỹ thuật, truyền đạt những rung động của cây bút vẽ và đạo đức trung thực trong sáng tác mới có thể đảm bảo một thế hệ người sử dụng AI biết tôn trọng và bảo tồn những giá trị của hội họa được làm nên bởi đôi bàn tay con người.

NHỮNG CÂU HỎI CÒN GIANG DỞ

Quay trở về với những người họa sĩ đầu tiên của nhân loại, họ vẽ nên bức tranh cuộc đi săn trên vách đá để kể câu chuyện mà người ở nhà không thể trải nghiệm, chia sẻ quá trình họ đổi lấy kinh nghiệm sống cho thế hệ tiếp theo. Việc sáng tạo nghệ thuật với người tiền sử đó không làm cho anh ta no bụng hơn, cũng không còn ai có thể nhớ tên anh ấy, nhưng nó đem lại hạnh phúc cho chính người đó vì đã truyền đạt lại được một ý tưởng, một câu chuyện, một hình ảnh được phái sinh cho mãi về sau. Có chăng đó lại vô tình chính là bản chất của hội họa?

AI đem đến một sự tự do mới về biểu đạt ý tưởng thông qua hình ảnh cho nhân loại. Chất lượng hình ảnh của AI ngày càng tiệm cận tới sản phẩm của họa sĩ, đó vô tình là một sức ép lên chính xã hội để nhìn nhận lại mục đích thực sự của việc sáng tác và quyền lợi của người họa sĩ.

Làm thế nào để việc chia sẻ hình ảnh của họa sĩ không còn bị ràng buộc bởi lợi nhuận, thỏa sức cho họ sáng tác cá nhân và đóng góp tạo ra sự đa dạng của mỹ thuật hiện đại trong khi AI hỗ trợ rút ngắn thời gian sáng tác cho các tác phẩm thuần thương mại? Làm thế nào để bộ cơ sở dữ liệu trở thành tài sản chung để hướng tới một xã hội yêu cái đẹp và trở nên hòa bình hơn? Làm thế nào để người họa sĩ tự do sáng tác cho đời mà vẫn có được một cuộc sống ổn định và sự tôn trọng của xã hội? Với Việt nam, nơi đang diễn ra sự bùng nổ của công nghệ thông tin và nghệ thuật đại chúng, đó chính là những câu hỏi mang tính cách mạng cho một thị trường nghệ thuật tương lai trong thời đại của AI.

(*) Tác giả đang làm việc ở vị trí chỉ đạo nghệ thuật tại CHLB Đức, đồng quản trị diễn đàn Midjourney Việt Nam - Art by AI. Thành viên nhóm GAIA VN tham gia triển lãm tác phẩm hoạt hình AI trong khuôn khổ sự kiện BRAND NEW ASIA tại Hàn Quốc tháng 10-2022, sử dụng Midjourney AI thiết kế hình ảnh chim Lạc đại diện cho sự kiện Sầm Sơn Music Festival tại Thanh Hóa tháng 9-2022.

Đọc thêm