Ai xâm phạm hành lang an toàn cầu Khánh An?

Cầu Khánh An thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau là nhịp nối huyết mạch của huyện này với trung tâm đô thị tỉnh. Thế nhưng hai năm qua, hành lang an toàn của cây cầu này bị đe dọa bởi các hoạt động của Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm, có trụ sở chính ở Hà Đông (Hà Nội).

Vi phạm kéo dài

Thời gian qua dư luận địa phương bất bình về các công trình và hoạt động của Công ty Hồng Lâm tại khu vực dạ cầu Khánh An thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng này đã tồn tại nhiều năm qua, cao điểm là hai năm trở lại đây với sự xuất hiện của nhiều tàu thuyền, sà lan ngay trong khu vực có biển báo cấm các hoạt động neo đậu tàu thuyền.

Ngoài ra, trong khu vực cấm nghiêm ngặt (7 m tính từ thành cầu trở ra), hai bên đất liền cũng bị công ty chiếm dụng đặt những khối bê tông, sắt thép lớn nặng hàng chục tấn.

Hiện trạng hai bên thành cầu phía bờ xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Theo xác minh của chúng tôi, toàn bộ hoạt động nói trên của Công ty Hồng Lâm là để đúc đổ bê tông, đổ cống hộp phục vụ xây dựng công trình mà công ty này đang thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Một số máy móc, thiết bị của công ty này cũng được tập kết tại đây để sửa chữa, bảo trì… Và một thời gian dài, Công ty Hồng Lâm có những vi phạm trong hoạt động bến thủy nội địa.

Cho đến ngày 2-4, các hoạt động xâm phạm hành lang an toàn cầu vẫn diễn ra.

Hứa di dời từ 2016… nay vẫn chưa xong

Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, Công ty Hồng Lâm đã có các hoạt động vi phạm bến thủy nội địa khoảng hai năm qua.

Ông Bằng cũng cho hay cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt Công ty Hồng Lâm về các hành vi vi phạm và buộc cam kết di dời nhưng họ không giữ đúng cam kết. “Vào cuối năm ngoái họ cam kết di dời trong hai tháng nhưng đến nay đã quá hạn vẫn chưa di dời xong. Chúng tôi đã xử phạt nhiều lần, từ 5 triệu đến mút khung là 20 triệu đồng”.

Năm 2016, Công ty Hồng Lâm đã cam kết di dời trong thời hạn 45 ngày nhưng đâu vẫn vào đó.

“Vì sao ngay từ đầu không ngăn chặn, để các hoạt động vi phạm của Công ty Hồng Lâm diễn ra thời gian dài rồi mới xử phạt?”. Trả lời câu hỏi trên, ông Bằng cho hay: “Ban đầu công ty này chỉ làm nhà xưởng và hoạt động trên bờ, không vi phạm. Khoảng hai năm qua, công ty này mới bắt đầu hoạt động vận chuyển. Phần trên bờ, trừ 7 m từ thành cầu ra, họ hoạt động được. Công ty chỉ vi phạm khi có các hoạt động bến thủy nội địa”.

Theo ông Bằng, khi công ty có các hoạt động vi phạm là lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử phạt. “Chúng tôi đã xử phạt nhiều lần rồi. Nhưng do các quy định về vi phạm hoạt động bến thủy nội địa không có chế tài cưỡng chế nên công ty vi phạm thì bị phạt vậy” - ông Bằng cho biết.

Với các hoạt động đe dọa đến an toàn cho cầu Khánh An vẫn đang diễn ra, ông Bằng nói: “Do công ty có cam kết di dời và chịu mọi trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn giao thông và ảnh hưởng xấu đến cầu nên tỉnh chấp nhận (cho việc di dời này - PV)”.

Ông Bằng lý giải thêm: “Những khối bê tông lớn rất khó di chuyển bằng đường bộ nên chúng tôi chỉ chấp nhận cho họ vận chuyển đi. Còn mọi hành vi vận chuyển đến đều phải bị xử lý. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở họ di dời những vật nặng khỏi hành lang an toàn 7 m trên đất liền của cầu. Ngày mai chúng tôi sẽ chỉ đạo các lực lượng đến tiếp tục nhắc nhở”.

Trao đổi với chúng tôi ngày 3-4, ông Trần Tiến Mạnh, đại diện Công ty Hồng Lâm, trả lời với chúng tôi cần ba tháng nữa để di dời xong tất cả. Thời gian qua, việc không thực hiện đúng cam kết di dời là do khó khăn về tài chính.

“Các cơ quan chức năng tỉnh đã làm hết trách nhiệm theo quy định pháp luật. Giờ chúng tôi vẫn giữ quan điểm làm hết trách nhiệm, tái phạm sẽ bị xử phạt và liên tục thúc, buộc di dời cho nhanh” - ông Mạnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới