Trước đó, ngày 14-11-2017, TAND TP Biên Hòa đã mở phiên tòa lần đầu. Sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định hoãn xử, trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung làm rõ vấn đề liên quan đến thiệt hại tài sản, làm rõ tư cách tố tụng của phía bị hại, làm rõ các mối quan hệ yêu cầu thiệt hại cũng như quan hệ hợp đồng giữa chủ sà lan và người lái sà lan.
Bị cáo Thượng (áo trắng) và bị cáo Giang tại tòa. Ảnh: YC
Đến ngày 28-2-2018, TAND TP Biên Hòa xử sơ thẩm lần hai và quyết định hoãn xử để triệu tập giám định viên đến tòa.
Điều tra viên đến tòa
Tại phiên tòa hôm nay có sự tham gia của năm thành viên trong hội đồng định giá gồm bà Nguyễn Huỳnh Thanh Thanh, ông Võ Thanh Bình, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, ông Huỳnh Hải. Riêng ông Trương Đình Phúc tham gia phiên tòa với tư cách thành viên hội đồng định giá và đại diện theo ủy quyền của chủ tịch hội đồng định giá.
Năm thành viên của hội đồng định giá định giá, ông Phúc (áo trắng). Ảnh: YC
Cạnh đó, điều tra viên (ĐTV) của vụ án là ông Hoàng Văn Điệp cũng được tòa triệu tập đến.
Tại tòa, bị cáo Thượng và Giang đều thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, đối với yêu cầu bồi thường hơn 21 tỉ đồng của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, bị cáo Thượng không đồng ý.
Điều tra viên Hoàng Văn Đệp tại tòa. Ảnh: YC
Theo bị cáo Thượng, cầu Ghềnh được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1904, thời hạn sử dụng đối với cầu đường sắt là 60 năm, vụ việc xảy ra vào tháng 3-2016 khi cầu Ghềnh đã được sử dụng hơn 60 năm nhưng hội đồng định giá xác định giá trị còn lại của cầu Ghềnh hơn 21 tỉ đồng là quá cao, không hợp lý, cần Thanh tra Nhà nước kiểm tra mới xác định được.
Về phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại đã dựa trên giá trị còn lại của cầu Ghềnh và chi phí tu sửa hằng năm.
Xoáy vào kết luận định giá
Trong suốt quá trình xét hỏi, HĐXX và luật sư đã tập trung làm rõ kết luận định giá tài sản.
Tại tòa, ông Phúc cho rằng kết luận định giá xác định giá trị còn lại của cầu Ghềnh hơn 21 tỉ đồng là đã tính hao mòn qua sử dụng của cầu Ghềnh. Lúc xảy ra sự việc, cầu Ghềnh sập hai nhịp và các nhịp còn lại đã hư hỏng, cơ quan chức năng đã cho tháo dỡ và xây lại cầu mới. Vì vậy, hội đồng định giá căn cứ theo hồ sơ của Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn để định giá đối với trường hợp tài sản định giá không còn.
Sau đó, HĐXX đã công bố Công văn ngày 13-12-2017 của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính gửi TAND TP Biên Hòa về định giá tài sản trong tố tụng hình sự đối với cầu Ghềnh.
Công văn này xác định cầu Ghềnh bị sập chưa đến mức không còn tài sản, do đó việc định giá cầu Ghềnh phải thực hiện theo trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự được quy định từ Điều 11 đến Điều 19 Nghị định 26/2005/NĐ-CP về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, mà không thuộc trường hợp được thực hiện theo quy định về định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn tại Điều 20 nghị định trên như hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai đã thực hiện để đưa ra kết luận định giá.
Vì vậy, hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai thực hiện định giá cầu Ghềnh chưa đúng về trình tự, thủ tục.
Khi HĐXX hỏi có cần định giá lại không thì ông Phúc cho rằng không cần vì tài sản không còn, có giám định lại kết quả cũng như vậy, nhưng nếu cơ quan tố tụng yêu cầu thì hội đồng định giá trong tố tụng hình sự sẽ định giá lại. Tuy nhiên, bốn thành viên còn lại trong hội đồng định giá lại chấp nhận với yêu cầu định giá lại.
Về phía ĐTV Việt, ông cho rằng vấn đề định giá lại do HĐXX xem xét vì ông không có chuyên môn về định giá, CQĐT không đánh giá về chuyên môn, CQĐT tôn trọng kết luận của hội đồng định giá. Cạnh đó, hiện nay CQĐT đã có kết luận và chuyển hồ sơ cho VKS truy tố, đến giai đoạn này thì ĐTV không có ý kiến gì thêm.
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), bào chữa cho bị cáo Thượng, hỏi ông Phúc khi tại tòa ông Phúc xác định giá trị cầu Ghềnh dựa trên hồ sơ chứng từ, sổ sách của Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn nhưng kết luận lại ghi dựa trên mức giá trên thị trường trong nước vào thời điểm ngày 20-3-2016. Ông Phúc cho rằng kết luận giám định có sự nhầm lẫn chứ thực tế hội đồng định giá dựa trên hồ sơ của Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn cung cấp.
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định hội ý kéo dài để làm rõ hai vấn đề: Thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với hai bị cáo và định giá trong tố tụng hình sự.
Ngày mai phiên tòa tiếp tục.
Nội dung vụ án Theo cáo trạng, vợ chồng ông Thượng đứng tên chủ sở hữu tàu kéo và sà lan trọng tải 980 tấn. Ông Thượng biết Giang không có bằng thuyền trưởng và ông Nguyễn Văn Lẹ không có chứng chỉ thủy thủ nhưng vẫn thuê Giang và Lẹ làm việc trên sà lan... Sáng 19-3-2016, tại địa phận tỉnh Long An, ông Thượng giao cho Giang điều khiển sà lan chở cát đến tỉnh Đồng Nai. Lúc này, Giang lại thuê Lẹ thay mình điều khiển sà lan. Đến ngày 20-3-2016, sà lan lưu thông trên sông Đồng Nai hướng từ cầu Bửu Hòa đến cầu Hóa An. Khi đến khu vực cầu Ghềnh, thủy triều dâng cao, dòng nước chảy xoáy mạnh. Do Giang không có bằng thuyền trưởng nên không biết cách đưa phương tiện qua khoang thông thuyền của cầu Ghềnh. Khi sà lan còn cách cầu Ghềnh khoảng 50 m thì Giang đã tăng ga cho sà lan qua khoang thông thuyền giữa trụ cầu số 1 và số 2. Tuy nhiên, máy kéo sà lan bị chết máy nên Giang bỏ vị trí lái để bỏ xuống khoang khởi động lại. Khi máy nổ, Giang quay lại buồng lái thì sà lan đã quay ngang và đã trôi tới trụ cầu số 2. Giang nói Lẹ tháo dây cột giữa tàu và sà lan nhưng không kịp, sà lan đã va vào trụ số 2 của cầu Ghềnh làm trụ cầu số 2, nhịp cầu số 2, số 3 bị gãy gập xuống sông, chìm đầu kéo làm lật sà lan. Giang và Lẹ bơi được vào bờ. Sau khi xảy ra sự việc, công an bắt giữ Giang và Thượng, còn Lẹ được xác định là không có hành vi phạm tội. Thiệt hại của sự cố sập cầu Ghềnh lên tới gần 22 tỉ đồng. Ngoài ra, đường sắt Bắc-Nam tê liệt, hệ thống điện nước phục vụ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Một số người trên cầu bị rơi xuống nước nhưng may mắn được cứu kịp thời. Thượng bị truy tố về hai tội: "đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo khoản 3 Điều 214 BLHS và “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy” theo khoản 3 Điều 215 BLHS. Còn Giang bị truy tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo khoản 3 Điều 212 BLHS. |