Ngày mai xử lại vụ xà lan tông sập cầu Ghềnh

Theo kế hoạch sáng mai (28-2) TAND TP Biên Hòa, Đồng Nai sẽ xử sơ thẩm lại vụ xà lan tông sập sập cầu Ghềnh vào năm 2016, đối với hai bị cáo.

Bị cáo Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị truy tố về hai tội: Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Bị cáo Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Sóc Trăng) bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Hai bị cáo Thượng và Giang tại tòa hồi tháng 11-2017. Ảnh: Vũ Hội

Theo hồ sơ, vợ chồng ông Thượng đứng tên chủ sở hữu tàu kéo và xà lan trọng tải 980 tấn. Ông Thượng biết Giang không có bằng thuyền trưởng và ông Nguyễn Văn Lẹ không có chứng chỉ thủy thủ nhưng vẫn thuê Gang và Lẹ làm việc trên xà lan...

Sáng 19-3-2016, tại địa phận tỉnh Long An, ông Thượng giao cho Giang điều khiển xà lan chở cát đến tỉnh Đồng Nai. Lúc này Giang lại thuê Lẹ thay mình điều khiển xà lan. Đến ngày 20-3-2016, xà lan lưu thông trên sông Đồng Nai hướng từ cầu Bửu Hòa đến cầu Hóa An.

Khi đến khu vực cầu Ghềnh, thủy triều dâng cao dòng nước chảy xoáy mạnh. Do Giang không có bằng thuyền trưởng nên không biết cách đưa phương tiện qua khoang thông thuyền của cầu Ghềnh. Khi xà lan còn cách cầu Ghềnh khoảng 50m thì Giang đã tăng ga cho xà lan qua khoang thông thuyền giữa trụ cầu số 1 và số 2.

Tuy nhiên, máy kéo xà lan bị chết máy nên Giang bỏ vị trí lái để bỏ xuống khoang khởi động lại. Khi máy nổ, Giang quay lại buồng lái thì xà lan đã quay ngang và đã trôi tới trụ cầu số 2. Giang nói Lẹ tháo dây cột giữa tàu và xà lan nhưng không kịp, xà lan đã va vào trụ số 2 của cầu Ghềnh làm trụ cầu số 2, nhịp cầu số 2, số 3 bị gẫy gập xuống sông, chìm đầu kéo làm lật xà lan. Giang và Lẹ bơi được vào bờ.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử

Sau khi xảy ra sự việc, công an bắt giữ Giang và Thượng, còn Lẹ được xác định là không có hành vi phạm tội. Thiệt hại của sự cố sập cầu Ghềnh lên tới gần 22 tỉ đồng. Ngoài ra đường sắt Bắc Nam tê liệt, hệ thống điện, nước phục vụ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Một số người trên cầu bị rơi xuống nước nhưng may mắn được cứu kịp thời.

Ngày 14-11-2017 tòa đã mở phiên xử nhưng sau khi kết phúc phần xét hỏi HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung. Theo HĐXX, cần làm rõ vấn đề liên quan đến thiệt hại tài sản, làm rõ tư cách tố tụng của phía bị hại, làm rõ các mối quan hệ yêu cầu thiệt hại cũng như quan hệ hợp đồng giữa chủ xà lan và người lái xà lan.

Đây là những tình tiết cần thiết, quan trọng nhưng không thể bổ sung ngay tại phiên tòa nên HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND TP Biên Hòa điều tra bổ sung…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm