Họ bỏ xa đoàn thứ hai là Trung Quốc đến 50 HCV, chễm chệ trên ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương.
AIMAG5 quy tụ hầu hết nội dung thi đấu không thuộc Olympic. Thế nên sự trỗi dậy mạnh mẽ của Turkmenistan vượt mặt các cường quốc thể thao châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc… thật không khó để lý giải.
Trong số 85 chiếc HCV quốc gia này đã giành được (một ngày trước khi đại hội kết thúc) đa phần đều rơi vào hai môn vật truyền thống và belt wrestling, vốn rất xa lạ với bạn bè quốc tế.
Chỉ tính riêng môn betl wrestling, Turkmenistan đã bỏ túi 39 chiếc HCV trong khi vật truyền thống cũng giúp chủ nhà gom thêm 23 ngôi vô địch. Nổi bật nhất trong các VĐV chủ nhà là võ sĩ Batyrow Seýdi. Ngoài bốn chức vô địch hạng -100 kg nam betl wrestling, VĐV sinh năm 1993 này còn đoạt thêm 2 HCV môn vật truyền thống cùng hạng cân.
Chen chân vào tốp 10 tổng sắp huy chương, Đông Nam Á có Thái Lan giữ vị trí thứ sáu với 20 HCV, trong đó có đến bảy ngôi vô địch các hạng cân môn Muay Thái.
Với đoàn Việt Nam giữ vị trí thứ tám với 11 HCV, tập trung chủ yếu ở các môn bơi bể ngắn 25 m (Ánh Viên 2 HCV), cử tạ (Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh), điền kinh - nhảy xa nam (Nguyễn Tiến Trọng), billiards (Nguyễn Quốc Nguyện), kurash (Trần Thị Thanh Thủy), dancesport (Trung Kiên - Hồng Anh), cờ vua (Lê Quang Liêm), taekwondo (quyền đồng đội nữ) nhưng giá trị của thể thao Việt Nam ở chỗ hầu hết là các nội dung thi đấu Olympic.
Tuy nhiên, khi đánh giá về thành công vượt chỉ tiêu giành 7 HCV tại AIMAG5, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn khá trăn trở bởi thành tích VĐV Việt Nam không thể đánh giá chuyên môn cho các đấu trường chính thống bởi AIMAG5 quá ít đối thủ mạnh. Điều này gây ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị Asiad 2018 hay Olympic.
Ông Phấn cũng nhấn mạnh tại những kỳ đại hội AIMAG sau, Việt Nam nên ưu tiên các VĐV trẻ tham gia cọ xát như cách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang áp dụng.