Theo TS Nguyễn Thanh Phong, về nguyên tắc, trong trường hợp này, Việt Nam sẽ phải theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế nhưng hiện nay Codex cũng chưa có quy định về việc này.
Sáng 13-6, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phối hợp các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy lại mẫu kiểm nghiệm tại cơ sở đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc (khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh).
Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long cho biết theo một số nghiên cứu của cơ quan ATTP châu Âu (EFSA), lượng phenol ăn vào hằng ngày chịu được của cơ thể người là 0,18 mcg (microgam)/kg thể trọng/ngày.
“Như vậy, mới mức công bố phenol trong cá nục ở Quảng Trị, với sáu mẫu chỉ có một mẫu có phenol với hàm lượng 0,037 mlg/kg thì tính trung bình một người Việt Nam nặng 50-55 kg, ngày nào cũng ăn hai lạng cá có chứa phenol như hàm lượng ở Quảng Trị công bố sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe” - TS Long khẳng định.
“Hiện UBND tỉnh chỉ đạo lấy thêm mẫu để thử nghiệm, trong thời gian đợi kết quả kiểm nghiệm, chúng tôi vẫn khuyến cáo dừng lưu thông lô hàng nhiễm phenol đó” - vị đại diện Cục ATTP nói thêm.
Theo TS Long, phenol là chất rắn không màu hoặc màu trắng, thường được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp. Con người có thể tiếp xúc với phenol qua nhiều nguồn khác nhau qua đất, nước, qua môi trường làm việc như sản xuất nylon, nhựa đều có phenol trong môi trường đó. Thậm chí phenol cũng có trong thực phẩm và có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán...
Trong thực phẩm tự nhiên, phenol có trong cà chua, chuối, ca cao, quả dâu tây..., riêng cà chua, táo, lạc... nguồn phenol có khá cao. Đối với tác hại với sức khỏe con người, TS Long dẫn các nghiên cứu cho rằng chưa có bằng chứng chứng minh phenol gây ung thư. Viện Nghiên cứu ung thư quốc tế không xếp phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người.
“Theo một nghiên cứu đã công bố, liều gây chết 50% loài động vật thực nghiệm (chuột) của phenol là 300-600 mlg trên/kg thể trọng. Riêng trong thực phẩm hiện nay, theo tất cả tài liệu, chưa có cơ quan tổ chức nào quy định giới hạn phenol trong thực phẩm” - TS Long nhận định.
“Khi đưa ra số liệu nào cần phải có cơ sở và bằng chứng chứng minh cụ thể để tránh gây hoang mang cho người dân” - ông Nguyễn Hùng Long nói.