Và lần này, nỗi xót xa ấy thành phẫn nộ khi lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An ăn chặn hơn 750 triệu đồng của người tâm thần, người vô gia cư. Họ bớt xén trong việc cấp quần áo, đồ dùng cho những người này; tăng thêm số khẩu phần ăn; tính chênh lệch tiền ăn và định lượng…
Người ta xót xa và phẫn nộ vì đối tượng bị ăn chặn là những người không có khả năng tự bảo vệ mình vì bị hạn chế về học vấn, thể chất, tâm thần, sức khỏe… Phẫn nộ vì việc ăn chặn diễn ra ở một nơi tinh thần thiện nguyện của cán bộ phải được đặt lên hàng đầu. Đó là nơi mà không ai nghĩ là nó có thể xảy ra vi phạm kể cả khía cạnh pháp luật lẫn đạo đức. Ấy thế mà tình trạng đó lại diễn ra trong một thời gian dài ở một nơi có tên gọi tốt, nhân văn là bảo trợ xã hội.
Hầu hết các trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước không thể chỉ hoạt động đơn thuần bằng ngân sách vì không có ngân sách nào bao hết nổi. Đa phần đều có sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm, của cộng đồng xã hội để đời sống của những người được bảo trợ ở đây được tốt hơn. Đó cũng là địa chỉ đỏ của những lòng nhân ái muốn tìm đến sẻ chia, khơi gợi, lan tỏa.
Vì thế, việc ăn chặn đó không chỉ làm mất tiền bạc, quyền lợi của người cùng khổ mà cái hại lớn hơn là đã làm mất niềm tin vào chính sách tốt đẹp, nhân văn của Nhà nước dành cho những người bất hạnh. Người dân có quyền đặt câu hỏi: Nơi này còn vậy, nơi khác tệ sẽ đến cỡ nào?
Qua sự việc này, lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH của từng tỉnh, thành cần rà soát lại việc thực hiện chính sách chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội xem có đến được trọn vẹn với họ hay chưa. Đừng để chính sách tốt đẹp, nhân văn của Đảng và Nhà nước bị gãy khúc ở đâu đó. Đừng để những cán bộ có tấm lòng thiện nguyện khác trên cả nước đang làm những công việc này bị ảnh hưởng vì thói xấu của một bộ phận. Đừng để câu nói của một vị lãnh đạo cấp cao phát biểu đau xót trong một hội nghị rằng “ăn của dân không từ một cái gì” trở thành câu trích dẫn khi người ta nói với nhau về những chuyện đau lòng này.