Án dân sự: VKS có nên phát biểu về đường lối giải quyết?

(PLO)- BLTTDS năm 2015 quy định trong phiên tòa dân sự, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc này là không nên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS năm 2015.

Tại hội nghị, ông Quách Hữu Thái (Phó Chánh án TAND TP.HCM) đưa ra nhiều vấn đề góp ý cho các quy định của BLTTDS năm 2015. Một trong những vấn đề được nêu là sự tham gia của VKS trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.

Vai trò của VKS đến đâu?

Theo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS năm 2015 của TAND TP.HCM, Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định VKS sẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, phương thức để VKS thực hiện quyền kiểm sát (kiểm sát trực tiếp hay kiểm sát qua văn bản), địa vị pháp lý của kiểm sát viên (KSV) khi tham gia giải quyết vụ việc dân sự cũng còn nhiều bất cập.

VKS tham gia một phiên tòa dân sự tại TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: KHẮC TUẤN

VKS tham gia một phiên tòa dân sự tại TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: KHẮC TUẤN

Ví dụ, theo BLTTDS năm 2015, tại phiên tòa sơ thẩm, KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, HĐXX; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án. Mặt khác, tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn…, nghe KSV phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án.

Theo TAND TP.HCM, những quy định này có điểm chưa hợp lý đó là theo quy định của hiến pháp thì VKS chỉ thực hiện việc kiểm sát hoạt động tư pháp (tức là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX) mà không kiểm sát về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng.

Ông Phạm Tuấn Anh (Chánh án TAND quận Bình Thạnh) cho rằng có những vụ việc rất đơn giản mà không cần VKS tham gia. Cạnh đó, thực tiễn có trường hợp tại tòa, VKS đề nghị thu thập thêm chứng cứ và đề nghị tạm ngừng phiên tòa trong khi HĐXX thấy chứng cứ đã đầy đủ rồi thì có quyền tuyên án hay không? Theo ông Tuấn Anh, nếu như trước đây VKS chỉ phát biểu về phần thủ tục thì nay VKS phát biểu cả phần nội dung và sau khi tuyên án xong, VKS vẫn có quyền kháng nghị. Vậy trong trường hợp này, tòa tuyên án luôn và ghi nhận trong bản án về việc không chấp nhận đề nghị của VKS thì có được hay không?

Từ đó, TAND TP.HCM kiến nghị sửa đổi BLTTDS năm 2015 theo hướng VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng.

Lý giải thêm về điều này, theo báo cáo, số lượng vụ án dân sự tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm đa số. Đương sự khi tham gia tố tụng đã tự thực hiện việc tranh tụng, tự bảo vệ quyền lợi, phản đối với yêu cầu của đương sự khác. Nếu không đồng ý với phán quyết của tòa án sơ thẩm, các đương sự được quyền kháng cáo. Như vậy, đương sự đã tự mình giám sát hoạt động tố tụng của tòa án, trình bày yêu cầu, đưa ra luận cứ... để bảo vệ quyền lợi của mình. Mặt khác, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là trách nhiệm của đương sự theo Điều 91 BLTTDS năm 2015. Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập... Vì vậy, VKS tham gia tất cả phiên họp sơ thẩm, phiên tòa sơ thẩm là không cần thiết.

Điều 262 BLTTDS năm 2015 quy định sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng… và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Quan điểm trái chiều về giới hạn phát biểu của VKS

Hiện nay, BLTTDS năm 2015 quy định trong phiên tòa dân sự, KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, HĐXX, thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng […] và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại hội nghị đề nghị bỏ phần VKS phát biểu về đường lối giải quyết vụ án mà chỉ nên phát biểu về vấn đề tố tụng như BLTTDS sửa đổi năm 2011 vì cho rằng đây là vụ án dân sự, quyền định đoạt do các đương sự.

Đây không phải là lần đầu vấn đề này được đặt ra mà đã có quan điểm trái chiều từ khi sửa đổi BLTTDS năm 2004.

Trao đổi với PV, một KSV cho rằng ý kiến VKS không nên phát biểu nội dung vì “việc dân sự cốt ở đôi bên” là hiểu chưa đúng. Đồng ý nguyên tắc của án dân sự là quyền tự định đoạt của các đương sự nhưng nếu đã thỏa thuận được thì các bên đã không phải kiện tụng đến tòa. Thậm chí khi đến tòa, nếu các bên thỏa thuận được thì đương sự có thể rút đơn hoặc thỏa thuận và đề nghị tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Điều này cho thấy VKS hay tòa đều chỉ làm vai trò trung gian, thế nhưng sự tham gia của VKS sẽ giúp phát hiện những sai phạm (nếu có) và giúp cho việc giải quyết vụ án đúng theo pháp luật.

Cũng theo vị này, cần nhấn mạnh là VKS phát biểu quan điểm dù tố tụng hay nội dung cũng là làm nhiệm vụ chứ không hề cản trở hay can thiệp quyền định đoạt của đương sự. Tòa lắng nghe ý kiến của KSV và hoàn toàn độc lập đưa ra phán quyết chứ VKS cũng không thể can thiệp.

VKS không nên tác động đến quan điểm của HĐXX

Việc VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm trong các trường hợp tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 (các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng…) là cần thiết để VKS nắm bắt được diễn biến cụ thể tại phiên tòa. Từ đó, VKS sẽ thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị một cách hiệu quả.

Đồng thời cũng không thể phủ nhận việc có mặt của VKS sẽ có tác động nhất định đến việc tòa án phải tiến hành các hoạt động tố tụng đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc ghi nhận quyền phát biểu về nội dung của VKS như hiện nay dường như là chưa phù hợp trong tổng thể các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS và tòa án.

Với nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, VKS không nên tác động đến quan điểm của HĐXX. Mặt khác, VKS cũng chỉ nên dừng lại ở việc kiểm tra và giám sát hoạt động tố tụng của tòa án, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình mà không nên can thiệp quá sâu vào việc xét xử vụ án dân sự của tòa án.

ThS HUỲNH QUANG THUẬN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm