Các tên lửa dòng Agni hoàn toàn do Ấn Độ tự phát triển.
Tên lửa Agni V đã được phóng lên lúc 8h05 sáng nay giờ địa phương từ một bãi thử trên hòn đảo ngoài khơi bang Orissa, phía đông Ấn Độ, theo Cơ quan nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO), nơi chế tạo tên lửa.
“Tôi thông báo rằng vụ phóng thành công của Agni V… đã làm nên lịch sử và giúp đất nước của chúng ta có thể tự hào trong lĩnh vực công nghệ tên lửa”, ông V.K. Saraswat, giám đốc DRDO nói.
Tên lửa Agni V đã bay lên độ cao hơn 600km, 3 tầng của nó hoạt động tốt và trọng tải đã được triển khai đúng như dự kiến, ông Saraswat nói.
Tên lửa Agni-V được phóng lên từ phía đông Ấn Độ.
“Ấn Độ đã trở thành cường quốc tên lửa lớn từ vụ phóng này”, ông Saraswat nhấn mạnh.
Tên lửa Agni-V, do Ấn Độ hoàn toàn tự phát triển, dự kiến được phóng thử hôm qua nhưng các quan chức quốc phòng đã hoãn vụ phóng tới hôm nay do thời tiết xấu.
Agni-V, dài 17m và nặng 50 tấn, có tầm bắn hơn 5.000km và có thể bao trọn lãnh thổ Trung Quốc.
Tầm bắn của các loại tên lửa Agni.
Câu lạc bộ tên lửa đạn đạo liên lục địa
Trước đó, Ấn Độ đã phát triển thành công các loại tên lửa Agni-I, Agni-I, 2, Agni-III và Agni-IV.
Hồi năm 2010, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công Agni-II, tên lửa đạn đạo tầm xa tầm trung với tầm bắn 2.000km.
Tháng 11/2011, Ấn Độ cũng đã phóng thử thành công tên lửa Agni-IV với tầm xa 3.500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Các nhà phân tích cho hay gia đình tên lửa Agni sẽ là nền tảng của lực lượng răn đe hạt nhân của Ấn Độ. Các tên lửa Agni nằm trong số những vũ khí tinh vi nhất của nước này.
Vụ thử nghiệm thành công hôm nay đã đưa Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên tục địa (ICBM) với tầm bắn lên tới 8.000km.
Hiện thế giới chỉ có 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc - sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa. Israel cũng được cho là sở hữu chúng.
Theo An Bình (Dân Trí / AFP, BBC)