Bà LTH và ông NST chính thức ly hôn năm 2010. Sau khi ly hôn, ông bà lập thỏa thuận về việc phân chia lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tiệm cơm hộp ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Theo đó, ông T. được chia 65% lợi nhuận và bà H. được chia 35% lợi nhuận. Năm 2012, bà H. kiện tranh chấp chia tài sản sau ly hôn.
Bà H. cho rằng thời gian đầu, ông T. tôn trọng thỏa thuận nhưng sau đó đã giữ lấy toàn bộ tiền bán hàng ngày và không chia lợi nhuận cho bà. Bà đề nghị tòa buộc ông trả cho bà gần 700 triệu đồng.
Bảy năm sau, năm 2019, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu của bà H.. Tòa xác định tiền vốn kinh doanh còn lại của tiệm cơm và tiền đặt cọc thuê nhà là tài sản chung của ông bà. Tòa buộc ông T. trả cho bà H. 35% trên tổng số tiền này, tương ứng 115,5 triệu đồng.
Xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy án sơ thẩm với nhận định: Cấp sơ thẩm căn cứ lời khai của ông T. tại bản tự khai ngày 20-9-2012 về việc tiệm cơm chỉ còn những vật dụng nhà bếp trị giá khoảng 150 triệu đồng, từ đó chấp nhận cho bà H. được hưởng 35%, tương đương 52 triệu đồng là chưa có cơ sở.
Khi chia tài sản chung phải định giá mọi tài sản tại thời điểm giải quyết vụ án, nếu việc định giá đã quá sáu tháng thì phải định giá lại. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại căn cứ vào bản tự khai cách thời điểm xét xử bảy năm để xác định giá trị tài sản tranh chấp.
Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, phía ông T. cũng xác định tại thời điểm xét xử sơ thẩm, “do làm ăn thua lỗ nên đã chấm dứt hoạt động tiệm cơm từ tháng 5-2013, không biết ai đang quản lý sử dụng những vật dụng nhà bếp”. Lời khai này cũng không được cấp sơ thẩm làm rõ. Do đó phải huỷ án, chuyển hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.
(PLO)- Tòa dụng án lệ để phân xử chia cho người đứng tên mua nhà giùm người nước ngoài được hưởng một nửa giá trị chênh lệch tăng thêm của căn nhà.