TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm một vụ tranh chấp xác lập quyền sở hữu đối với lợi tức. HĐXX đã áp dụng án lệ để giải quyết cho người đứng tên mua nhà giùm cho người nước ngoài được hưởng một nửa giá trị tăng thêm của căn nhà.
Ông Tee người Malaysia kiện bà Nguyễn Thị Xuân T để đòi 4,38 tỉ đồng là giá trị căn nhà 149/B31 (số cũ 183/B16) Lý Thánh Tông, phường Tân Thời Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM. Nhà do ông bỏ 2,8 tỉ đồng ra mua và nhờ bà T. đứng tên giùm. Hiện bà đang quản lý, sử dụng căn nhà này. UBND quận Tân Phú cấp chủ quyền cho bà.
Chứng cứ ông Tee đưa ra là văn bản ký ngày 15-3-2011, hai bên thỏa thuận: “Ông Tee dùng tiền cá nhân để mua nhà, nhờ bà T. đứng tên giùm, được quyền yêu cầu bà T. chuyển nhượng lại căn nhà cho chính mình”.
Bà T. chỉ đồng ý trả một nửa giá trị nhà. Bà trình bày rằng do xuất phát từ tình yêu thật sự giữa hai bên nên ông Tee đã tình nguyện bỏ tiền ra mua nhà để cùng chung sống.
Hầu hết nội dung trong bản thỏa thuận ngày 15-3-2011 đều bất lợi cho bà nhưng do tại thời điểm này bà rất thương yêu và tin tưởng ông nên đã chấp nhận ký tên. Mặc khác, bản thỏa thuận này ghi là “Trong thời gian sống chung nếu tôi đề xuất ly hôn thì phải hoàn trả toàn bộ tiền mua nhà. Trong trường hợp ông Tee đề xuất ly hôn thì các bên thỏa thuận chia đôi giá trị căn nhà”.
Ngày 20-8-2019, TAND TP.HCM xử buộc bà T. trả cho ông Tee 2,897 tỉ đồng.
Ông Tee kháng cáo, đề nghị buộc bà T. trả cho ông giá trị căn nhà là 4,38 tỉ đồng. Ông đồng ý cho bà T. 5% giá trị căn nhà.
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị áp dụng Án lệ số 02/2016/AL để giải quyết chia đôi phần giá trị tăng thêm của căn nhà.
HĐXX phúc thẩm xét thấy tính chất, các tình tiết và sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết và sự kiện pháp lý trong Án lệ số 02/2016/AL.
Vì vậy, căn cứ án lệ này, có đủ cơ sở xác định ông Tee là người nước ngoài không thể đứng tên mua nhà nên nhờ bà T. đứng tên giùm. Việc ông khởi kiện đòi bà T. trả lại số tiền mua nhà ban đầu là có căn cứ chấp nhận.
Đối với phần giá trị chênh lệch tăng thêm của căn nhà, do ông Tee là người bỏ tiền ra để mua nhà và bà T. là người đứng tên nhận chuyển nhượng nhà, bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị căn nhà nên cả hai đều có công sức ngang nhau. Do đó, mỗi người được hưởng ½ giá trị chênh lệch tăng thêm của căn nhà.
Từ đó, cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, buộc bà T. trả 3,59 tỉ đồng cho ông Tee.
(PL)- Tòa sơ thẩm áp dụng án lệ số 03 của TAND Tối cao để chia tài sản chung của vợ chồng nhưng hiểu sai nội dung án lệ.