Án lệ 14 về công nhận điều kiện không có trên hợp đồng

(PLO)- Theo án lệ, dù hợp đồng không ghi điều kiện tặng cho nhưng nếu có tài liệu chứng minh các bên đã thỏa thuận về điều này và có giá trị pháp lý thì tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 12-7 TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai đối với Nguyễn Trần Hoàng Phong (tài xế xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Một điểm đáng chú ý trong vụ án này là trong khi đang bị tạm giam, bị cáo Phong đã ký công chứng chuyển nhượng căn hộ mà mình đứng tên cho mẹ ruột - bà Trần Hoàng Họa Mi.

Luật sư đang trao đổi với bị hại của vụ án. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư đang trao đổi với bị hại của vụ án. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư nêu án lệ để đề nghị hủy hợp đồng

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, luật sư (LS) của bị hại đã đề nghị HĐXX hủy hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng căn hộ giữa Phong và mẹ ruột.

Một trong hai căn cứ mà LS đưa ra đó là trong đơn xin gặp mặt công chứng viên được Phong gửi đến Công an quận Phú Nhuận ghi rõ Phong bán căn hộ cho bà Mi để bà Mi có khả năng khắc phục hậu quả.

Do đó, đây là HĐ có điều kiện và điều kiện này chưa được thực hiện vì bà Mi chưa bồi thường cho bị hại. Đồng thời, bị cáo không nhận được tiền bán nhà trên thực tế.

Phía LS cũng dẫn chứng Án lệ số 14 về yêu cầu hủy HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) có điều kiện với lập luận cho rằng án lệ có các tình tiết tương tự vụ việc trên để đề nghị HĐXX xem xét hủy HĐ.

Để bạn đọc có cái nhìn khách quan về vụ án, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu nội dung của án lệ số 14 được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 14-12-2017.

Tình huống án lệ

Theo Án lệ số 14, ông Quàng Văn P1 (ngụ tỉnh Điện Biên) khởi kiện vợ chồng con trai là anh Quàng Văn P2 để “yêu cầu hủy HĐ chuyển nhượng QSDĐ”. Lý do ông P1 khởi kiện là bởi ông cho rằng anh P2 đã không thực hiện điều kiện đã cam kết khi ông tặng cho đất.

Quyết định giám đốc thẩm của vụ án thể hiện: Ngày 12-6-2006, ông P1 được cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ cho mảnh đất rộng 72 m2.

Sau nhiều lần lập giấy chuyển quyền sử dụng cũng như đơn xin xác nhận việc ủy quyền cho con trai (anh P2) được toàn quyền sở hữu và sử dụng đất, đến ngày 6-10-2006, ông P1 lập HĐ chuyển nhượng QSDĐ cho vợ chồng anh P2 và được UBND TP Điện Biên Phủ xác nhận. Từ đó vợ chồng anh P2 được cấp GCN QSDĐ.

Tuy nhiên, trên HĐ chuyển nhượng không thể hiện điều kiện chuyển nhượng, mục giá trị chuyển nhượng chỉ ghi “Bố cho con”.

Trường hợp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp, thì tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là dợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.

Án lệ số 14

Giải pháp pháp lý

Nội dung của Án lệ số 14 nêu: Quá trình giải quyết vụ án, ông P1 cho rằng việc ông tặng cho vợ chồng anh P2 là có điều kiện, đó là vợ chồng anh này phải làm nhà cho ông ở, chăm sóc ông và cha mẹ của ông nhưng vợ chồng anh P2 không thực hiện cam kết.

Về việc này, tuy anh P2 không thừa nhận được cha tặng cho có điều kiện nhưng tại giấy ủy quyền ngày 25-3-2006, thể hiện ông P1 ủy quyền cho anh P2 xin giấy phép xây dựng... có trách nhiệm xây nhà trên lô đất 379B để ông P1 ở, có trách nhiệm chăm sóc vợ chồng cụ K (là cha, mẹ của ông P1).

Ngoài ra, tại bản cam kết ngày 12-10-2006, anh P2 có ghi “... Tôi được bố cho mảnh đất... tôi làm cam kết này với chính quyền địa phương sẽ tiến hành xây dựng nhà ở cho bố tôi và không được chuyển nhượng cho ai”.

Như vậy, mặc dù HĐ tặng cho QSDĐ không ghi điều kiện nhưng tại các văn bản nêu trên có thể hiện anh P2 phải làm nhà cho ông P1 ở, chăm sóc ông P1 và cha mẹ của ông P1.

Từ những nhận định trên, theo Án lệ số 14, trường hợp HĐ tặng cho QSDĐ không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp, thì tòa án phải công nhận điều kiện của HĐ và xác định HĐ tặng cho QSDĐ đó là HĐ tặng cho tài sản có điều kiện.•

VKS đề nghị hủy hợp đồng mua bán căn hộ

Theo cáo trạng của vụ án, Nguyễn Trần Hoàng Phong không có giấy phép lái xe, điều khiển xe Mercedes trong tình trạng sử dụng chất ma túy… đã tông trực diện vào xe máy do ông Thường điều khiển.

Hậu quả, ông Thường tử vong và nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (ngồi sau xe ông Thường) bị thương tật vĩnh viễn 79%.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất vào ngày 16-12-2020, TAND quận Phú Nhuận đã bác yêu cầu kê biên tài sản mà Phong đã chuyển nhượng cho mẹ với nhận định bị hại có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự của Phong và mẹ là vô hiệu, sau đó đề nghị kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu của bị cáo để đảm bảo việc thi hành án.

Sau khi báo chí đồng loạt lên tiếng về việc chuyển nhượng căn hộ trên có dấu hiệu “tẩu tán tài sản” để né bồi thường thì tại phiên phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để làm rõ nguồn gốc hình thành căn hộ mà Phong đã chuyển nhượng.

Tiếp đó, ngày 14-2-2022, cơ quan điều tra Công an quận Phú Nhuận đã ra lệnh kê biên đối với căn hộ nêu trên.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai ngày 12-7, bên cạnh việc LS của bị hại đề nghị hủy HĐ mua bán căn hộ giữa bị cáo Phong và mẹ ruột thì đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu hủy HĐ trên để đảm bảo hoạt động kê biên, thi hành án.

Đồng thời, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phong 6-7 năm tù và có nghĩa vụ phải bồi thường cho người đại diện hợp pháp của bị hại Lê Mạnh Thường 417 triệu đồng, bị hại Nguyễn Thị Bích Hường 1,5 tỉ đồng.

Theo thông báo, HĐXX sẽ tiến hành tuyên án vào chiều hôm nay (14-7).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm