TAND Tối cao vừa ban hành án lệ số 59/2023/AL1 liên quan đến một vụ án giết người do TAND tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm vào tháng 12-2020.
Theo đó, nội dung chính của án lệ này đề cập đến trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại. Bị hại điều khiển xe mô tô bỏ chạy, bị cáo tiếp tục truy đuổi làm bị hại lo sợ phải tăng tốc bỏ chạy. Khi bị hại bị tai nạn thì bị cáo mới dừng việc truy đuổi. Bị hại tử vong trên đường đi cấp cứu.
Trong trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.
Hiện trường một vụ tai nạn. Ảnh: PLO |
Theo nội dung vụ án, tối 6-9-2019, Triệu Văn M và Đặng Văn T đến dự đám cưới ở thôn K, xã T, huyện Y, tỉnh Yên Bái thì gặp Nguyễn Ngọc V đi cùng Nguyễn Thị L.
Do có mâu thuẫn từ trước nên M và T đã nảy sinh ý định đánh V. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi V lấy xe máy chở theo L đi về theo đường liên thôn thì T và M cũng lấy xe máy của mình và đi theo với mục đích đánh V.
M và T đuổi theo khoảng 500 mét thì vượt qua xe V, đến đoạn đường vắng người, M và T dừng lại chặn xe của V và hai bên lao vào đánh nhau.
Bị đánh đau, V bỏ chạy theo hướng đường quay lại đám cưới. Thấy V khởi động xe máy bỏ chạy nên T và M quay lại chỗ để xe, nổ máy bật đèn tăng ga đuổi theo, V thấy vậy cũng tăng ga bỏ chạy.
Trong quá trình bỏ chạy và bị rượt đuổi, V không kịp xử lý đã lao lên khu vực sân vườn nhà ông Phạm Văn H và bị ngã, sau đó được người dân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong ngay sau đó.
HĐXX phúc thẩm nhận định hành vi của các bị cáo T và M sử dụng gậy kim loại, là hung khí nguy hiểm đánh nhiều nhát vào vùng đầu, mặt, thân thể V, sau đó dùng xe mô tô truy đuổi V là rất nguy hiểm.
Anh V trong tình trạng vừa bị đánh đau, lại vẫn bị các bị cáo truy đuổi, uy hiếp, đe dọa, buộc anh V lo sợ tiếp tục bị đánh nên đã điều khiển xe mô tô bỏ chạy với vận tốc nhanh, trên đường bê tông liên thôn có nhiều khúc cua liên tiếp, nhiều đoạn có độ dốc lớn trong điều kiện trời tối, có khả năng gây tai nạn nguy hiểm dẫn đến chết người.
Các bị cáo buộc phải nhận thức được điều đó, nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo anh V cho đến khi thấy anh V bị ngã xe mới dừng lại. Với hành vi nguy hiểm nêu trên, có đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo là rất quyết liệt, chứng tỏ về mặt chủ quan các bị cáo không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức chấp nhận để hậu quả chết người xảy ra và thực tế là anh V đã chết.
Như vậy, đã đủ căn cứ kết luận các bị cáo T và M đã phạm vào tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Việc cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích là không chính xác. Do đó, cần hủy bản án sơ thẩm để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm.
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, TAND huyện Y đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có căn cứ cho thấy hành vi của các bị can đã thực hiện cấu thành tội giết người. Nhưng VKSND huyện Y giữ nguyên quyết định truy tố về tội cố ý gây thương tích nên TAND huyện Y đã xét xử theo thẩm quyền và kiến nghị kháng nghị về tội danh trong bản án.
Do đó, tòa án cấp sơ thẩm không có lỗi trong việc cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.