6 dự thảo án lệ về hình sự đang được lấy ý kiến

(PLO)- TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với 18 dự thảo án lệ, trong đó có sáu án lệ về hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với 18 dự thảo án lệ, trong đó có sáu án lệ về hình sự, bảy án lệ về dân sự, kinh doanh, thương mại, ba án lệ về hôn nhân và gia đình, hai án lệ về hành chính.

Sáu dự thảo án lệ về hình sự gồm:

- Dự thảo án lệ số 01 về áp dụng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là người khuyết tật đặc biệt nặng (Bản án hình sự phúc thẩm số 80/2020/HS- PT ngày 17-7-2020 của TAND tỉnh Bình Định về vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ đối với bị cáo Nguyễn Văn B)

Tình huống pháp lý: Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo được cơ quan có thẩm quyền kết luận là người khuyết tật đặc biệt nặng.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, toà án phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người khuyết tật đặc biệt nặng”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Dự thảo án lệ số 02 về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội cướp giật tài sản (Bản án hình sự phúc thẩm số 590/2020/HS-PT ngày 18-12-2020 của TAND TP.HCM về vụ án cướp giật tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thành Quốc B)

Tình huống pháp lý: Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để người quản lý tài sản chuyển giao tài sản cho bị cáo, sau đó lợi dụng sơ hở để nhanh chóng tẩu thoát.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản”.

- Dự thảo án lệ số 03 về tình tiết định khung hình phạt tại điểm c khoản 3 Điều 244 của BLHS (Bản án hình sự sơ thẩm số 179/2018/HSST ngày 14-9-2018 của TAND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm đối với bị cáo Hoàng Đình Q.)

Tình huống pháp lý: Bị cáo có hành vi vận chuyển 5 cá thể hổ và 1 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ thứ 6.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 BLHS 2015, được sửa đổi, bổ sung 2017.

- Dự thảo án lệ số 04 về nhận thức của người phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Bản án hình sự sơ thẩm số 09/2020/HSST ngày 16-1-2020 của TAND TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm đối với bị cáo Vũ Văn L)

Tình huống pháp lý: Trong vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, bị cáo khai không biết đối tượng mà mình xâm phạm là động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

- Dự thảo án lệ số 05 về xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Quyết định giám đốc thẩm số 04/2022/HS-GĐT ngày 4-4-2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các bị cáo Bùi Đăng V, Hoàng Ngọc N, Lưu Phước C)

Tình huống pháp lý: Người phạm tội dùng giấy tờ giả về nhân thân để thuê xe ô tô, sau đó dùng giấy tờ giả về nhân thân và giấy tờ giả về xe để cầm cố xe ô tô cho người khác để lấy tiền.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định người cho thuê xe ô tô là bị hại, người nhận cầm cố xe ô tô là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

- Dự thảo án lệ số 06 về lỗi cố ý gián tiếp trong vụ án giết người (Bản án phúc thẩm số 50/2020/HS-PT ngày 10-12-2020 của TAND tỉnh Yên Bái về vụ án giết người đối với các bị cáo Triệu Văn M, Đặng Văn T)

Tình huống pháp lý: Bị cáo dùng hung khí tấn công bị hại. Bị hại điều khiển xe mô tô bỏ chạy, bị cáo tiếp tục truy đuổi làm bị hại lo sợ phải tăng tốc bỏ chạy. Khi bị hại bị tai nạn thì bị cáo mới dừng việc truy đuổi. Bị hại tử vong trên đường đi cấp cứu.

Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm