Phó Chánh án TAND Tối cao mong tòa án Cần Thơ đóng góp thêm án lệ

(PLO)-  Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng án lệ còn ít, trong khi mỗi năm Cần Thơ xét xử cả chục ngàn bản án nên đề nghị mỗi năm tòa này nên đóng góp 1-2 án lệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-12, TAND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2023.

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao đã biểu dương những kết quả đạt được trong năm qua của TAND hai cấp TP Cần Thơ.

Đối với các chủ trương lớn đang thực hiện của ngành tòa án như xét xử trực tuyến, sử dụng trợ lý ảo, án lệ, trung tâm hòa giải,… Phó Chánh án TAND Tối cao mong TAND hai cấp ở Cần Thơ cố gắng thực hiện tốt.

Ông Tuệ đề nghị TAND hai cấp ở Cần Thơ phát huy hơn nữa trung tâm hòa giải. Cạnh đó, ông cũng yêu cầu cán bộ tòa án, nhất là thẩm phán phải tích cực sử dụng phần mềm trợ lý ảo của tòa.

Theo ông Tuệ, việc xây dựng án lệ hơi chậm, từ năm 2017 đến nay ngành tòa án mới xây dựng được 56 án lệ. Số lượng người sử dụng án lệ chưa nhiều do không có thói quen xem, cạnh đó cũng do án lệ ít, không đủ tình huống. Trong khi đó, Cần Thơ mỗi năm xét xử khoảng chục ngàn bản án. Từ đó, ông đề nghị TAND hai cấp ở Cần Thơ xem xét để mỗi năm đóng góp 1-2 án lệ.

Theo ông Tuệ, trong năm tới, ngành tòa án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, sẽ có một số tòa chuyên biệt như tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ… không trực thuộc tòa án tỉnh. Đặc biệt, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy sẽ có sự cân đối lại biên chế.

“Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy sự vất vả của ngành tòa án, số lượng án mỗi năm tăng mười mấy phần trăm. Từ năm 2012, số lượng án tăng gấp đôi nhưng biên chế giữ nguyên và giảm 10%” – Phó Chánh án Tối cao cho hay

Ông Tuệ cho biết, trong các ngành có ngành tòa án tới đây sẽ được giữ nguyên biên chế như năm 2012, tức là nhận lại 10% biên chế đã giảm. Năm 2012, tổng biên chế ngành tòa án là 15.300 người thì hiện nay giảm còn hơn 13.000 người.

“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương báo cáo án 3 năm gần nhất để phân bổ biên chế cho đều” – ông Tuệ cho biết.

Phó Chánh án TAND Tối cao mong tòa án Cần Thơ thực hiện tốt, tuân thủ triệt để chỉ đạo của Thành ủy, đặc biệt những vụ án kinh tế, tham nhũng. Ông cũng mong rằng các lãnh đạo TP, cơ quan ban ngành của TP tiếp tục hỗ trợ để TAND hai cấp TP Cần Thơ hoàn thành nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ khác.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thanh Thiên – nguyên chánh án TAND TP Cần Thơ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nguyên Chánh án TAND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Thiên (bìa trái) và đại diện tập thể Văn phòng TAND TP Cần Thơ nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba tại hội nghị.

Nguyên Chánh án TAND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Thiên (bìa trái) và đại diện tập thể Văn phòng TAND TP Cần Thơ nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba tại hội nghị.

Tập thể Văn phòng TAND TP Cần Thơ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

TAND quận Thốt Nốt được tặng Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 của TAND.

Cạnh đó, Chánh án TAND Tối cao cũng đã tặng bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân của TAND hai cấp ở Cần Thơ.

Thẩm phán nhiều hơn thư ký

Theo báo cáo của TAND TP Cần Thơ, từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022, tổng số các loại vụ án, vụ việc TAND hai cấp thụ lý 11.480 vụ, việc (thụ lý tăng 1.361 vụ việc so với cùng kỳ), giải quyết 10.226 vụ, việc, tỉ lệ giải quyết 89,08% (tỷ lệ giải quyết tăng 17,46% so cùng kỳ.

Tòa án hai cấp luôn chú trọng công tác hòa giải, đối thoại. Việc hòa giải, đối thoại thành góp phần hóa giải tranh chấp, hàn gắn các mâu thuẫn, rạn nứt trong nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác xét xử trong năm qua vẫn còn những hạn chế, thiếu sót như tỉ lệ giải quyết một số loại án còn chưa cao, một số vụ án phức tạp còn để kéo dài; Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn đến bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa chủ quan…

Theo TAND TP, một trong những nguyên nhân khách quan của hạn chế, thiếu sót là do khối lượng công việc phải giải quyết lớn, một số vụ án tính chất phức tạp nên giải quyết chậm, một số vụ do bị hủy phải giải quyết nhiều lần; có sự mất cân đối giữa số lượng thẩm phán và thư ký (thẩm phán nhiều hơn thư ký) do việc thực hiện lộ trình tinh giảm biên chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm