Ngày 8-8, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết thông tin trên tại hội thảo “Bảo vệ sức khỏe bằng thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày” do Sở Y tế TP.HCM và tập đoàn Lộc Trời tổ chức.
Theo BS Diệp, ăn thừa chất bột đường dẫn đến thực trạng tăng chuyển hóa thành lipid (chất béo – PV) tích trữ trong cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid. “Thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đái tháo đường. Mức độ đái tháo đường nặng hay nhẹ dựa vào chỉ số đường huyết. Chỉ số đường huyết là sự phân loại xếp hạng thức ăn giàu chất bột đường theo thang điểm từ 0 đến 100 dựa trên mức độ làm tăng đường huyết sau ăn của thức ăn”, BS Diệp giải thích.
BS Diệp cho biết các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp sẽ làm tăng đường huyết từ từ và thấp sau ăn. Ngược lại, các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao sẽ làm tăng đường huyết nhanh và cao sau ăn. “Nghiên cứu cho thấy chỉ số đường huyết của cám gạo là 27, đậu Hà Lan khô 32, lúa mạch 36, đậu đen 43… Trong khi đó, chỉ số đường huyết của bắp là 78, gạo lức 79, gạo trắng 83. Đáng lưu ý chỉ số đường huyết của bánh mỳ nướng lên tới 100. Do vậy, ăn nhiều bánh mỳ nướng dễ có nguy cơ đái tháo đường”, BS Diệp nói.
Tại hội thảo, PGS-TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng gạo lứt nảy mầm trên người mắc hội chứng chuyển hóa (một tập hợp những rối loạn về chuyển hóa làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường). “Kết quả cho thấy sử dụng gạo lứt nảy mầm có hiệu quả cải thiện các chỉ số của hội chứng chuyển hóa, kiểm soát glucose máu (lượng đường trong máu – PV), mỡ máu… Gạo lứt nảy mầm còn có tác dụng cải thiện tốt đối với bệnh nhân đái tháo đường, thừa cân béo phì”, bà Mai trình bày.