Ăn sao chống bệnh ung thư?

Để đảm bảo có đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn hằng ngày, người bệnh ung thư cần có chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ các nhóm chất như đạm, bột, đường, chất béo, các loại vitamin, khoáng chất và nước.

Ngăn nguy cơ suy mòn thể chất

Quá trình điều trị ung thư luôn làm cho người bệnh chán ăn hay ăn quá ít đạm, quá ít năng lượng. Từ đó khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể suy giảm dẫn đến suy dinh dưỡng. Người bệnh gầy yếu, không đủ sức đề kháng chống lại nhiễm trùng cũng như không chịu nổi liệu pháp điều trị ung thư.

người bệnh ung thư, suy dinh dưỡng và sự suy mòn thể chất là hai vấn đề thường gặp nhất. Khi người bệnh có chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ chất thì sẽ giúp giảm thiểu được nhiều bất lợi do căn bệnh và quá trình điều trị gây ra. Trong bệnh ung thư, bản thân của khối u ác tính, đặc biệt là khi khối u ở dạ dày hay đường ruột và những chất do nó sản sinh ra có tác dụng làm ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể thì việc sử dụng chất đạm, bột, đường, chất béo của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, làm cho người bệnh luôn có cảm giác no, biếng ăn, khô miệng, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy hay táo bón…

Cần tạo hương vị thơm ngon hấp dẫn trong thực phẩm để kích thích sự thèm ăn.

Dinh dưỡng chuyên biệt cho từng người bệnh

Do nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi người bệnh khác nhau, khẩu vị của từng người cũng khác nhau nên chế độ ăn không thể nào giống nhau. Để cung cấp chất dinh dưỡng cho người bệnh, tùy thuộc vào từng biểu hiện nổi bật ở từng người hay nói cách khác đó là dinh dưỡng chuyên biệt cho từng người bệnh.

+ Với người có chứng biếng ăn: Ở bệnh ung thư có mức độ chán ăn nhiều hơn những bệnh khác. Hơn nữa ở người mắc bệnh ung thư thường hay hoang mang, lo lắng, sợ hãi cũng làm cho người bệnh mất ngon miệng. Những tác dụng phụ của quá trình điều trị như buồn nôn, nôn cũng góp phần khiến chán ăn nhiều hơn.

Để có thể giúp người bệnh giảm bớt chán ăn, ngoài việc đảm bảo chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm, bơ, sữa bột, mật ong, cần chia nhỏ nhiều bữa trong ngày thay vì chỉ ăn ba bữa. Luôn có sẵn những thức ăn, thực phẩm hợp khẩu vị người bệnh có thể ăn ngay khi cảm thấy muốn ăn. Đảm bảo đầy đủ nước uống như canh súp, sữa, nước ép trái cây, thức ăn xay nhuyễn...

+ Với chứng đắng miệng: Điều này có thể xảy ra trong suốt thời gian bệnh và điều trị, nó làm cho người bệnh có cảm giác đắng hoặc có mùi tanh, nhất là với các loại thịt hoặc những thực phẩm có hàm lượng đạm cao. Tuy nhiên, đắng miệng thường chỉ xảy ra ở giai đoạn điều trị và nó sẽ biến mất sau khi chấm dứt điều trị.

Để giảm thiểu được tình trạng đắng miệng trong giai đoạn điều trị, người bệnh cần thực hiện tốt việc súc miệng với nước sạch trước khi ăn, có thể ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, bưởi... để kích thích vị giác, loại bỏ vị đắng của miệng, chia nhiều bữa ăn trong ngày, chọn thức ăn mà người bệnh khoái khẩu, nếu bị tanh vì mùi cá, thịt thì có thể dùng đạm thực vật như tàu hủ chẳng hạn.

+ Với chứng khô miệng: triệu chứng thường gặp ở người bệnh đang trị liệu bằng hóa trị liệu hoặc xạ trị liệu ở vùng đầu, cổ… Nó làm giảm tiết nước bọt, từ đó dẫn đến khô miệng và người bệnh rất khó chịu. Khi đó người bệnh rất khó nhai, khó nuốt thức ăn và góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng chán ăn, vì thế cần xay nhuyễn hoặc chế biến thành thức ăn dạng lỏng như nước súp, nước thịt..., uống nhiều nước theo từng ngụm để giúp nuốt dễ dàng hơn, có thể sử dụng một số thức ăn, đồ uống có vị chua nhưng không nên áp dụng đối với người bệnh có vết thương ở vùng hầu họng nhằm giúp tăng tiết nước bọt, súc miệng tối thiểu bốn lần một ngày. Tránh các thức ăn, đồ uống có chứa nhiều chất ngọt, tránh súc miệng bằng những dung dịch có chứa cồn.

+ Với chứng buồn nôn và nôn: Đây là biểu hiện làm cho người bệnh rất sợ nên không dám ăn vì sợ mỗi lần ăn vào lại khó chịu do buồn nôn hay nôn. Để giúp người bệnh thực hiện tốt việc ăn uống và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng trong quá trình điều trị, cần tránh những thức ăn dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi, tránh ăn uống những thức ăn nặng mùi trong phòng kín, tránh ép người bệnh ăn những món khoái khẩu trước kia nếu hiện tại họ không thích, tránh uống nước trong khi ăn, chia bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, nên ăn trước khi đói vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn mạnh hơn. Nên ngồi hoặc nằm tư thế nửa nằm nửa ngồi sau khi ăn khoảng một tiếng.

+ Với chứng táo bón: Đây là một vấn đề rất thường thấy ở bệnh nhân ung thư và nhất là ở người bệnh đang trong quá trình điều trị. Táo bón ở người bệnh ung thư có thể là do thiếu nước hoặc thiếu nhiều chất xơ trong chế độ ăn, thiếu hoạt động thể lực, những tác động bởi liệu pháp điều trị. Để giúp người bệnh có thể giúp ngăn ngừa táo bón, cần ăn chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước, mỗi ngày uống khoảng 1-2 lít nước, ngoài ra cần uống thêm nước ép các loại như rau, củ, quả, nước chanh, trà… và nhất là nên đi bộ và vận động thường xuyên.

BS HỒ VĂN CƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm