Ở người cao tuổi, các cơ quan tiêu hóa yếu đi, khả năng nhai nghiền thức ăn và quá trình tiêu hóa xảy ra chậm hơn, tiêu hóa kém hơn, nhất là về đêm. Vì thế, người cao tuổi nói chung mỗi bữa nên ăn ít, chia thành nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày và cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất là những trường hợp mắc bệnh mạn tính.
Người cao tuổi nên ăn mỗi bữa một ít, chia thành nhiều bữa trong ngày. Hình minh họa.
Ăn nhiều rau tươi, quả chín: Người cao tuổi cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét hết các chất bổ béo thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi là các vitamin và chất khoáng.
Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá: Ở người cao tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm đều kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm, do đó người cao tuổi cần bổ sung thêm chất đạm có trong đậu, lạc, vừng và cá đều có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch.
Chất dầu có trong lạc, vừng, cá... sẽ giúp người cao tuổi ngăn ngừa bệnh tim mạch. Hình minh họa.
Người cao tuổi nên ăn nhiều món ăn từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành… Mỗi tuần ăn 2-3 bữa cá, nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để ăn được cả xương có thêm canxi để phòng bệnh xốp xương .
Ở mỗi gia đình nên có một lọ vừng lạc để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày. Ðậu, lạc, vừng, cá có tác dụng phòng, chống các bệnh tim mạch; đậu phụ còn có tác dụng phòng chống ung thư. Ðó là hai bệnh chính thường gây tử vong ở người cao tuổi.
Cần giảm mức ăn: Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Cho nên người già thường ăn giảm đi. Tuy nhiên, có một số người tuổi cao nhưng ăn vẫn ngon miệng, nên ăn nhiều, dẫn đến béo phì, thừa cân là nguy cơ dẫn đến suy tim, suy gan, suy thận. Bởi vậy, người nhiều tuổi cần chủ động giảm mức ăn: Trước đây mỗi bữa ăn ba, bốn bát cơm, nay chỉ nên ăn hai hoặc một bát.
Bên cạnh đó, người cao tuổi thường ít có cảm giác khát nước, nhưng không phải vì thế mà hạn chế uống nước trong ngày, gia đình nên chú ý chăm sóc cho người già uống nước đầy đủ, khoảng 1,5- 2 lít nước/ngày sẽ giúp thận hoạt động tốt, bài tiết chắt lọc các chất cặn bã tốt hơn đồng thời làm giảm nguy cơ táo bón ở người già. Ở người già cần tránh xa thuốc lá, rượu bia, cà phê và các chất kích thích khác vì thuốc lá, rượu bia làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh ung thư phổi, gan… rất nguy hiểm nhưng mọi người lại thường chủ quan không quan tâm tới nó, tới khi mắc bệnh mới biết.