Bà TTL khởi kiện người hàng xóm kế bên là vợ chồng ông TQT vì cho rằng ông T. xây nhà làm ảnh hưởng đến nhà bà. Tháng 5-2014, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc vợ chồng ông T. bồi thường cho bà L. hơn 148 triệu đồng. Tòa còn buộc vợ chồng ông T. phải khôi phục hiện trạng ban đầu và xử lý sự cố nghiêng với nhà của ông T.
Chỉ thi hành án được một nửa
Phía ông T. kháng cáo. Tháng 9-2014, TAND TP Cần Thơ bác kháng cáo, tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Tuy nhiên, tại phần quyết định HĐXX lại chỉ tuyên buộc ông T. bồi thường tiền cho bà L. mà không tuyên khôi phục hiện trạng ban đầu và xử lý sự cố nghiêng (như án sơ thẩm đã tuyên).
Gần một tháng sau, TAND TP Cần Thơ có thông báo sửa chữa, bổ sung bản án với nội dung: Buộc vợ chồng ông T. phải khôi phục hiện trạng ban đầu và xử lý sự cố nghiêng để chấm dứt việc tiếp tục gây thiệt hại cho nhà bà L.
Bà L. yêu cầu thi hành án (THA). Tháng 10-2014, Chi cục THADS quận Ninh Kiều THA nhưng gần một năm bà L. khiếu nại vì việc THA chưa dứt điểm. Tháng 8-2015, Chi cục THADS quận giải quyết khiếu nại, bác đơn cho rằng quá trình THA, phía ông T. đã bồi thường hơn 148 triệu đồng cho bà L. Với phần khôi phục hiện trạng ban đầu và xử lý sự cố nghiêng nhà thì chưa thể thực hiện được.
Chi cục THADS quận cho rằng theo khoản 1 Điều 240 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), sau khi tòa tuyên án xong, không được sửa đổi, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện rõ ràng về chính tả, về số liệu nhầm lẫn hoặc tính toán sai. TAND TP Cần Thơ đã sửa chữa, bổ sung bản án chưa đúng. Ngoài ra, bản án tuyên buộc ông T. khôi phục hiện trạng ban đầu và xử lý sự cố nghiêng nhưng không xác định hiện trạng ban đầu là như thế nào.
Từ đó, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Chi cục THADS quận đã ra văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần bản án và thông báo sửa chữa, bổ sung bản án của tòa phúc thẩm.
Căn nhà bà L. (phải) kế bên nhà của vợ chồng ông T. Ảnh: YC
Tòa tỉnh nói gì?
Bà L. tiếp tục khiếu nại và tháng 1-2018, Cục THADS TP Cần Thơ có quyết định giải quyết khiếu nại tiếp tục bác đơn. Theo đó, phần bồi thường thiệt hại bà L. đã nhận tiền xong. Còn phần khôi phục hiện trạng ban đầu, phía ông T. không tự giác khắc phục thì THA cũng không thể cưỡng chế. Vì bản án không nêu được hiện trạng ban đầu căn nhà là như thế nào. Còn việc xác định nhà ông T. còn nghiêng, lún và ảnh hưởng đến nhà bà L. nữa hay không là do các bên đương sự chứng minh, cần thiết khởi kiện bằng vụ án khác.
Tháng 6-2018, Chi cục THADS huyện có công văn yêu cầu tòa phúc thẩm giải thích bản án. Một tháng sau tòa này có văn bản phúc đáp cho rằng do chủ tọa phiên tòa đã nghỉ hưu nên chánh án tòa này sẽ trả lời. Theo chánh án TAND TP Cần Thơ, cơ quan địa phương đã có kiến nghị, xem xét giám đốc thẩm bản án nhưng VKSND Cấp cao tại TP.HCM có văn bản trả lời không kháng nghị.
Chánh án cũng cho biết qua trao đổi với chủ tọa, ông này nói phải tuyên như vậy để ràng buộc trách nhiệm của bị đơn, không để xảy ra nguy cơ gây thiệt hại cho công trình lân cận. Theo kết quả thẩm định chất lượng công trình thì tại thời điểm kiểm định độ nghiêng, lún của nhà bà L. còn nằm trong giới hạn cho phép. Nhưng chưa có căn cứ nào thể hiện việc nghiêng, lún của công trình đã ổn định, không còn nghiêng, lún thêm nữa.
Theo chủ tọa, trong thời gian này phía bị đơn phải có nghĩa vụ thường xuyên quan trắc công trình đúng định kỳ để kịp thời phát hiện độ nghiêng, lún nhằm có biện pháp xử lý. Nếu nhà nghiêng, lún đến mức vượt tiêu chuẩn thì phải tháo dỡ từng phần hoặc toàn bộ để đảm bảo an toàn cho nhà liền kề.
Án chưa rõ, phải giám đốc thẩm Theo Điều 9 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC (về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS) thì nếu bản án chưa rõ, gây khó thì thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản yêu cầu tòa giải thích. Lúc này, tòa có trách nhiệm giải thích và là căn cứ để THA thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc tiếp tục THA. Hai bản án tuyên như trên thì không thể biết được khôi phục và xử lý sự cố nhà nghiêng là khôi phục và xử lý như thế nào, bằng cách nào. Bản án cần tuyên rõ biện pháp xử lý, ví dụ như phía ông T. phải đập một phần công trình hoặc kéo lại nhà theo phương thẳng đứng để khắc phục sự cố nghiêng... Vì tòa tuyên không rõ nên cơ quan THA không thể thi hành được. Cạnh đó, việc tòa phúc thẩm ra thông báo sửa chữa, bổ sung bản án như trên là không đúng. Vì nó chỉ thực hiện khi phát hiện rõ ràng về chính tả, về số liệu nhầm lẫn hoặc tính toán sai, việc bổ sung một phần nội dung mới trong phần tuyên án là trái luật. Do đó, để giải quyết rốt ráo vụ việc thì vụ án phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy án phúc thẩm và một phần án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo hướng tòa phải tuyên rõ biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả là gì. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM |