Ông Nguyễn Châu Trực khởi kiện đòi vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Trung trả 500 triệu đồng. Tháng 1-2014, TAND quận Bình Tân, TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu nên phía bị đơn kháng cáo. Bốn tháng sau, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm, tức vợ chồng ông Trung phải trả tiền cho ông Trực.
Bán nhà nên bị thi hành án khởi kiện
Quá trình thi hành bản án, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Bình Tân xác minh điều kiện THA và biết được vợ chồng ông Trung có giấy chủ quyền một căn nhà tại đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân và đây là tài sản duy nhất để THA.
Có điều là vào ngày 26-5-2014, vợ chồng ông Trung đã ký bán căn tại một văn phòng công chứng. Sau đó, từ hồ sơ này, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân đã cập nhật quyền sở hữu căn nhà cho người mua.
Thấy việc mua bán được thực hiện sau ngày có bản án sơ thẩm và trước ngày có bản án phúc thẩm nên Chi cục THADS quận đã cưỡng chế kê biên căn nhà vào ngày 23-7-2015 với lý do có dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THA.
Từ đó Chi cục THA quận đã căn cứ khoản 2 Điều 75 Luật THADS và Thông tư liên tịch (TTLT) số 14/2010 (giữa Bộ Tư pháp, TAND Tối cao và VKSND Tối cao, hướng dẫn một số thủ tục THADS) để khởi kiện, yêu cầu TAND TP.HCM tuyên bố vô hiệu đối với hợp đồng bán nhà giữa vợ chồng ông Trung với người mua nhà.
Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 10-2018, người mua nhà cho rằng đã thanh toán cho vợ chồng ông Trung tiền và nhận chuyển nhượng căn nhà hợp pháp, không liên quan đến việc THA của ông Trung nên không đồng ý với yêu cầu của THA quận.
HĐXX nhận định việc chuyển nhượng căn nhà thực hiện sau khi có bản án sơ thẩm nhưng số tiền bán nhà đã được dùng để thanh toán nợ cho ngân hàng vì khi tòa quận xử sơ thẩm thì căn nhà đang được thế chấp tại ngân hàng. Vì thế không thể xem việc chuyển nhượng căn nhà của vợ chồng ông Trung là hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA theo TTLT số 14/2010. Từ đó tòa bác yêu cầu khởi kiện của Chi cục THA, tuyên hợp đồng mua bán giữa vợ chồng ông Trung và người mua nhà có giá trị pháp lý.
Không phải là tẩu tán tài sản
Sau đó, VKSND TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm với lý do việc mua bán nhà diễn ra sau khi có bản án sơ thẩm. Trong khi tại khoản 1 Điều 6 TTLT số 14/2010 quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Theo VKS, có căn cứ rõ ràng xác định vợ chồng ông Trung có hành vi trốn tránh nghĩa vụ THA nên hợp đồng mua bán không có giá trị pháp lý. Việc Chi cục THADS quận Bình Tân khởi kiện yêu cầu hủy việc chuyển nhượng trên là đúng. Ngoài ra, người liên quan trong vụ án này là ông Trực cũng có đơn kháng cáo theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía Chi cục THADS quận.
Ngày 13-6 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm, cho rằng tại thời điểm vợ chồng ông Trung vay 500 triệu đồng của ông Trực (ngày 20-2-2013) thì căn nhà đã được thế chấp cho ngân hàng (hợp đồng thế chấp ký ngày 28-8-2009). Thực tế thì số tiền bán nhà đã được sử dụng để thanh toán nợ cho ngân hàng và sau đó tiền này cũng được vợ chồng ông Trung trả cho ông Trực một phần.
Vì thế không thể xem việc ký hợp đồng mua bán căn nhà sau khi có bản án sơ thẩm là hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA theo TTLT số 14/2010. Từ đó HĐXX phúc thẩm bác kháng nghị của VKSND TP.HCM và kháng cáo của người liên quan, tuyên yán sơ thẩm.
Nhận định của tòa là đúng Theo ThS Huỳnh Thị Nam Hải (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), việc hai cấp tòa căn cứ vào mục đích chuyển nhượng căn nhà để xác định có hay không hành vi tẩu tán tài sản là phù hợp. Thực tế là số tiền bán nhà đã được sử dụng để giải chấp ngân hàng, thực hiện nghĩa vụ cho hợp đồng thế chấp đã có trước thời điểm vợ chồng ông Trung vay tiền của ông Trực. Số tiền thừa còn lại cũng đã được tự nguyện trả cho người được THA nên không có cơ sở để cho rằng vợ chồng ông Trung tẩu tán tài sản. Một nguyên chấp hành viên Cục THADS TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cũng chung nhận định, cho rằng cần xác định mục đích của việc chuyển nhượng căn nhà ở đây là gì. Nếu tài sản được bán nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng trước đó và nếu có một phần tiền được trả cho người được THA thì không thể xem hành vi đó là tẩu tán nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA. |