Án vướng giám định, bên thiệt hại kêu trời

Nguyên nhân là bên gây thiệt hại lại liên tục khiếu nại hoặc giữa các cấp tòa có những đánh giá thiếu thống nhất…

Năm 1998, bà Nguyễn Thị Liễu (phường Rạnh Dừa, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã làm thủ tục và được cấp phép mở lớp mầm non tư thục. Bà Liễu vừa là người đứng tên quản lý cơ sở, vừa làm giáo viên nuôi dạy trẻ. Tháng 6-2008, chủ nhà kế bên xây lại nhà ba tấm kiên cố nhưng không áp dụng biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chống lún nên đã làm nứt tường và nghiêng toàn bộ căn nhà của bà Liễu.

Tòa dưới tuyên, tòa trên hủy

Sau đó, chính quyền địa phương có lập biên bản và tổ chức hòa giải. Hai bên không thỏa thuận được nên bà Liễu đã khởi kiện ra TAND TP Vũng Tàu yêu cầu người hàng xóm bồi thường hơn 160 triệu đồng gồm các khoản thiệt hại do nhà bị nứt, nghiêng cộng tiền mất thu nhập hằng tháng do lớp mầm non của bà phải đóng cửa.

Tháng 7-2010, TAND TP Vũng Tàu xử sơ thẩm đã tuyên chấp nhận phần lớn yêu cầu của bà Liễu, buộc người hàng xóm phải bồi thường hơn 150 triệu đồng. Theo tòa, việc giám định cho thấy rõ là người hàng xóm đã xây nhà làm nhà bà Liễu bị hở hàm ếch dưới móng, khiến móng bị chuyển vị trí, hổng chân móng, có thể bị sập bất cứ lúc nào.

Án vướng giám định, bên thiệt hại kêu trời ảnh 1

Người hàng xóm kháng cáo. Hai tháng sau, TAND tỉnh xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để tổ chức giám định lại theo yêu cầu của ông này. Theo tòa, lỗi hủy án không phải thuộc về lỗi chủ quan của tòa cấp sơ thẩm vì tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, người hàng xóm không đưa ra yêu cầu giám định lại nhưng để đảm bảo quyền lợi của đương sự thì vẫn phải hủy án.

Tháng 9-2011, xử sơ thẩm lần hai, TAND TP Vũng Tàu tiếp tục buộc người hàng xóm phải bồi thường thiệt hại như lần xử trước. Ông này kháng cáo, chỉ đồng ý bồi thường 50 triệu đồng. Vài tháng sau, tòa phúc thẩm lại tuyên hủy án với lý do việc giám định chưa chuẩn. Theo đó, khi ra quyết định trưng cầu giám định lại, tòa sơ thẩm không yêu cầu trung tâm giám định cung cấp giấy phép hoạt động để biết chức năng của cơ quan này ra sao. Mặt khác, kết luận giám định không nói rõ sau này nhà của bà Liễu có còn đảm bảo để sử dụng nữa hay không…

Vụ án kéo dài mãi, mới đây bà Liễu phải làm đơn yêu cầu tăng số tiền bồi thường. Hiện nay, TAND TP Vũng Tàu cũng chưa thể xử sơ thẩm lại lần ba vì chưa xong việc giám định.

Liên tục khiếu nại

Năm 2006, bà HTLH (ngụ phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) xây nhà mới khiến căn nhà của ông Trần Sơn Tây Casimir Thông (quốc tịch Pháp) bị hư hỏng nặng. UBND phường Đa Kao đã phải yêu cầu ông Thông di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe. Ông Thông yêu cầu bà H. trả chi phí di dời và tiền thuê nhà nhưng bà H. không chịu nên ông khởi kiện bà ra TAND TP.HCM.

TAND TP.HCM đã thụ lý vụ kiện này từ tháng 10-2008 nhưng đến nay vẫn chưa xét xử được vì bà H. liên tục khiếu nại kết quả giám định thiệt hại. Cụ thể, ban đầu tòa trưng cầu giám định theo yêu cầu của ông Thông. Một công ty giám định đưa ra hai phương án: Nếu khắc phục thiệt hại thì chi phí là 2,9 tỉ đồng, còn nếu xây mới nhà là 2,95 tỉ đồng. Nhận kết quả, bà H. khiếu nại. Để công bằng, lần này tòa cho chính bà H. lựa chọn công ty giám định khác. Sau đó, công ty giám định do bà H. chọn có kết quả là chi phí khắc phục thiệt hại khoảng 2,3 tỉ đồng. Bà H. lại tiếp tục… khiếu nại.

Quá mệt mỏi vì phải chờ đợi, phải ở nhà thuê, ông Thông đã cương quyết yêu cầu tòa sớm đưa vụ án ra xử vì dù có giám định tiếp, giám định kiểu nào đi nữa thì bà H. cũng sẽ khiếu nại nhằm kéo rê vụ án.

Vụ khác, ông LHT (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kiện người hàng xóm trong quá trình xây lại nhà đã làm lún nứt và nghiêng nhà của ông. TAND quận thụ lý vụ án nhưng bốn năm sau vẫn chưa thể xử sơ thẩm vì các bên liên tục khiếu nại về kết quả giám định. Ban đầu, tòa trưng cầu một công ty giám định, kết luận tổng thiệt hại và chi phí khắc phục là 21 triệu đồng. Ông T. không đồng ý, đề nghị trưng cầu một công ty giám định khác. Công ty kiểm định thứ hai này cho ra kết quả thiệt hại là hơn 40 triệu đồng. Lần này, đến lượt bị đơn khiếu nại. Vụ kiện vì thế mà tiếp tục kéo dài…

Từ chối giám định

Trước đây, ông S. ký hợp đồng trị giá hơn 700 triệu đồng để xây một căn nhà trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP.HCM). Nhà xây gần xong, ông S. kiện chủ nhà vì không thanh toán hết tiền. Chủ nhà thì nói ông S. xây ẩu nên phản tố đòi bồi thường thiệt hại. TAND quận 4 đã phải mất hơn một năm để trưng cầu hai công ty kiểm định chất lượng nhà. Kết quả là căn nhà kém chất lượng nên tòa đã buộc ông S. phải bồi thường cho chủ nhà gần 100 triệu đồng. Ông S. kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét lại kết quả giám định. Chủ nhà cũng kháng cáo, yêu cầu được thẩm định lại phần móng và kết cấu căn nhà để bắt ông S. xây đền nhà mới. Vụ án bế tắc khi các đương sự đều đòi mời tổ chức giám định riêng nhưng không đơn vị nào dám nhận.

Tương tự, năm 2008, ông H. (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) kiện yêu cầu người hàng xóm bồi thường vì xây nhà làm lún, nứt nhà ông. Ban đầu, TAND quận Ninh Kiều trưng cầu Trung tâm Tư vấn và Kiểm định chất lượng xây dựng thuộc ĐH Cần Thơ giám định thiệt hại. Cán bộ tòa, các đương sự và phía trung tâm đã lập biên bản khảo sát nhà. Sau đó, phía trung tâm nói sẽ lập đề cương chi tiết rồi làm nhưng nhiều tháng sau vẫn không thực hiện các bước tiếp theo. Tòa có văn bản đôn đốc, trung tâm cũng không phản hồi. Tòa “chữa cháy” bằng cách thay đổi đơn vị giám định nhưng đơn vị này cũng từ chối. Cuối cùng, tòa đành phải mời các bên đến để lấy ý kiến trưng cầu giám định một tổ chức khác...

Bổ sung quy định

Pháp luật dân sự hiện hành không có quy định cụ thể về việc giám định thiệt hại do xây dựng trong tố tụng tiến hành mấy lần, khi các kết quả mâu thuẫn thì giải quyết sao. Điều đó khiến các tòa sơ thẩm thường không dám mạnh dạn xét xử bởi e ngại nếu một bên đương sự kháng cáo yêu cầu giám định lại thì cấp phúc thẩm sẽ hủy án. Tôi nghĩ các nhà làm luật cần sớm bổ sung quy định theo hướng cho các đương sự thỏa thuận chọn đơn vị giám định, nếu hai bên không thỏa thuận được thì tòa sẽ đứng ra chỉ định và kết quả giám định từ đơn vị mà tòa chọn phải được tôn trọng. Có như vậy mới giải quyết được thực trạng hiện nay.

Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang

Phải có giải pháp

Người bị thiệt hại không biết trông cậy vào đâu khi cuộc sống bị đảo lộn vì sự cố do hàng xóm gây ra, trong khi nhiều bị đơn lại không có thiện chí khắc phục, tìm cách đối phó, lợi dụng việc khiếu nại kết quả giám định để kéo rê vụ án. Tôi nghĩ các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng tìm ra giải pháp, không thể kéo dài mãi tình trạng này được.

Luật sư VƯƠNG TUẤN KIỆT, 
Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm