Ngày 7-6, PLO đưa tin Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Sở VH-TT TP.HCM về việc thay đổi chú thích ảnh và danh sách nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ của Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Trong công văn của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ không có cơ sở để khẳng định hai nhân vật trong tấm ảnh trên là hai anh em Trần Văn Đức và Trần Thị Hà như chú thích của Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho hay Khu chứng tích Sơn Mỹ là nơi lưu giữ và trưng bày hình ảnh, tư liệu gốc về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Vì vậy, việc thay đổi nội dung chú thích ảnh cần phải có sự trao đổi thống nhất giữa các đơn vị quản lý và được cấp có thẩm quyền cho phép.
Việc Bảo tàng chứng tích chiến tranh tự ý thông báo thay đổi nội dung chú thích ảnh và danh sách nạn nhân vụ thảm sát đã gây ảnh hưởng đến sự kiện vụ thảm sát và nội dung trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Và đề nghị Sở VH-TT TP.HCM có ý kiến chỉ đạo Bảo tàng chứng tích chiến tranh đính chính nội dung thông báo kết luận cuộc họp Hội đồng khoa học của Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Không thay đổi nội dung chú thích bức ảnh và danh sách nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ khi chưa có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Trước các phản bác trên của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, PV PLO đã có buổi trao đổi cùng bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Bà Thảo cho biết:
Trước đây, Bảo tàng chứng tích chiến tranh sử dụng hình ảnh trưng bày về Sơn Mỹ là sao chép từ tạp chí Life được công bố năm 1970. Sau khi liên lạc được với ông Ronald Heaber, tác giả các bức ảnh, ông Ronald Heaberle đã đồng ý cho Bảo tàng chứng tích chiến tranh tác quyền sử dụng bộ ảnh thảm sát Sơn Mỹ.
Khẳng định cùng PV PLO, bà Thảo nhấn mạnh: “Cho đến hiện tại ông Ronald Heaber chưa đồng ý cho một cơ quan nào khác tác quyền của bộ ảnh nên Bảo tàng chứng tích chiến tranh là nơi duy nhất lưu giữ và trưng bày các hình ảnh gốc của bộ ảnh này ở Việt Nam”.
Vì vây, bà Thảo cho rằng việc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi nhận định Khu chứng tích Sơn Mỹ lưu giữ và trưng bày các hình ảnh gốc về vụ thảm sát Sơn Mỹ là chưa chính xác.
Anh che đạn cho em với chú thích gây tranh cãi giữa Bảo tàng chiến tích và Sở VH-TT&DL tỉnh Quãng Ngãi. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Cũng theo bà Thảo, Bảo tàng chứng tích chiến tranh không dẫn nguồn hình ảnh từ Khu chứng tích Sơn Mỹ nên không có trách nhiệm phải thông báo và xin ý kiến của Khu chứng tích khi có thay đổi về chú thích các hình ảnh đang trưng bày tại bảo tàng.
Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có công văn quy định khi bảo tàng chỉnh sửa chú thích một hình ảnh thì phải xin ý kiến của địa phương nơi xảy ra sự kiện và bức ảnh Anh che đạn cho em cũng không phải là bảo vật quốc gia hay thuộc trong danh mục phải xin ý kiến của bộ, ngành liên quan khi điều chỉnh chú thích.
Mặc khác, bà Thảo cho biết thêm, việc thay đổi chú thích của bức ảnh là đúng với ý chí của tác giả. Đồng thời, Hội đồng khoa học của bảo tàng đã có quá trình tra cứu, đối chiếu các tài liệu, cho thấy đủ cơ sở khoa học để thực hiện điều chỉnh lại nội dung chú thích. Ngoài ra, bảo tàng cũng không thay đổi danh sách nạn nhân như Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã nêu trong công văn mà chỉ điều chỉnh tên của nạn nhân Nguyễn Thị Bộ (Tẩu) thành tên riêng của hai nạn nhân là bà Nguyễn Thị Tẩu và Nguyễn Thị Bộ. Vì qua xác minh các chứng cứ lịch sử cho thấy có hai nạn nhân tên như trên.
Với các đề nghị của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi gởi Sở VH-TT TP.HCM yêu cầu Bảo tàng chứng tích không thay đổi nội dung chú thích và danh sách nạn nhân, bà Thảo cho biết Bảo tàng chứng tích chiến tranh sẵn sàng tiếp nhận những chứng cứ khoa học mới để đối chiếu sự thật về chú thích của bức ảnh Anh che đạn cho em cũng như danh sách nạn nhân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ nếu đó là nguồn đáng tin cậy.
“Việc điều chỉnh chú thích bức ảnh Anh che đạn cho em cần các chứng cứ khoa học thuyết phục hơn và phải có kết luận của Hội đồng khoa học cấp cao hơn, chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Vì đây là một nội dung thuộc về chuyên môn, mang tính nghiên cứu khoa học", bà Thảo nhấn mạnh.