Ngày 7-6, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Sở VH-TT TP.HCM về việc thay đổi chú thích ảnh và danh sách nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ của Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
Theo nội dung công văn, ngày 28-12-2012, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi có Báo cáo số 1555/BC-SVHTTDL về việc xử lý đơn thư khiếu nại của ông Trần Văn Đức, nhân vật được cho là một trong hai đứa trẻ trong bức ảnh Anh che đạn cho em của cựu binh Mỹ Ronald Haeberle.
Bức ảnh Anh che đạn cho em của cựu binh Mỹ Ronald Haeberle.
Qua xác minh, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Khu chứng tích Sơn Mỹ chỉnh sửa chú thích ảnh “Trương Bốn, Trương Năm” thành “Người anh đang che đạn cho người em. Nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết” như chú thích của Tạp chí Life. “Không có cơ sở để khẳng định tấm ảnh trên là hai anh em Trần Văn Đức và Trần Thị Hà”, công văn nêu.
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho hay Khu chứng tích Sơn Mỹ là nơi lưu giữ và trưng bày hình ảnh, tư liệu gốc về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Vì vậy, việc thay đổi nội dung chú thích ảnh cần phải có sự trao đổi thống nhất giữa các đơn vị quản lý và được cấp có thẩm quyền cho phép.
Việc Bảo tàng chứng tích chiến tranh tự ý thông báo thay đổi nội dung chú thích ảnh và danh sách nạn nhân vụ thảm sát đã gây ảnh hưởng đến sự kiện vụ thảm sát và nội dung trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Sở VH-TT TP.HCM có ý kiến chỉ đạo Bảo tàng chứng tích chiến tranh đính chính nội dung thông báo kết luận cuộc họp Hội đồng khoa học của Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Không thay đổi nội dung chú thích bức ảnh và danh sách nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ khi chưa có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Thông báo của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
Trước đó, trong cuộc họp giao ban báo chí chiều 6-6, ông Võ Văn Hào, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho hay đơn vị cũng đã có công văn gửi Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM về việc đề nghị chỉ đạo việc kiểm chứng, xác minh nội dung thông tin.
Trong công văn này, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng trong khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về việc thay đổi một số nội dung sự kiện có liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968), nhưng Bảo tàng chứng tích chiến tranh đã đưa ra một số kết luận như báo chí đã nêu là sai trái, gây phức tạp tình hình địa phương. Có thể sẽ làm cho dư luận trong nước và quốc tế hiểu sai lệch về vụ thảm sát đã diễn ra cách đây hơn 50 năm.
Do đó, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM yêu cầu Sở VH-TT TP.HCM chỉ đạo Bảo tàng chứng tích chiến tranh đính chính nội dung “Thông báo kết luận cuộc họp Hội đồng khoa học”, không được thay đổi nội dung chú thích bức ảnh và danh sách nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ.
“Chỉ đạo Sở VH-TT TP HCM rút kinh nghiệm đối với bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh, vì đã đưa ra một số kết luận không có cơ sở khoa học và thực tiễn có liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ”, công văn nêu.
Như PLO đã thông tin, ngày 10-4, Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại TP.HCM ra thông báo kết luận cuộc họp Hội đồng khoa học, điều chỉnh nội dung chú thích cũ “Khi hai bé trai này bị trúng đạn thì đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như muốn che chở cho em. Sau đó lính Mỹ đã bắn chết chúng” thành: “Anh che đạn cho em” – Anh: Trần Văn Đức, 7 tuổi – Em: Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi – Hai anh em hiện còn sống.