Ngày mai, 16-3, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát 504 thường dân ở Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) do quân đội Mỹ gây ra vào ngày 16-3-1968.
Qua email, Ronald L. Haeberle, tác giả của những bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ gây chấn động thế giới lúc bấy giờ, cho hay sẽ cùng người thân và bạn bè về dự lễ tưởng niệm. Sau đó, ông sẽ cùng mọi người đi quanh xóm cũ, nơi 50 năm trước ông đã chụp những bức ảnh làm cơ sở để đưa vụ thảm sát ra ánh sáng…
Tàn bạo và kinh khủng
Vụ thảm sát xảy ra tròn nửa thế kỷ. Sơn Mỹ giờ đã đổi thay rất nhiều và bản thân Ronald L. Haeberle - tác giả những bức ảnh về vụ thảm sát - từ một người trai trẻ nay đã qua tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng khi hỏi chuyện, ông luôn bộc bạch: “Sơn Mỹ luôn ở trong tôi!”.
50 năm kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, Ronald L. Haeberle vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết. Lúc đó, khi nhìn cảnh tàn bạo của quân đội Mỹ, ông rất hoảng hốt. Sao lại xảy ra cảnh tượng này? Những người bị giết đều là người già, phụ nữ và trẻ em. Ông cố trấn tĩnh và giương máy chụp lại những khoảnh khắc kinh hoàng đó. Những bức ảnh này sau đó được công bố trên tạp chí Life và Ronald L. Haeberle sau đó tham gia hầu tòa với tư cách là nhân chứng của vụ thảm sát…
Ronald L. Haeberle đã công bố 40 bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Những bức ảnh khi vừa mới công bố đã gây chấn động dư luận toàn hành tinh về sự tàn bạo của quân đội Mỹ.
Ronald L. Haeberle trong một lần trở về Sơn Mỹ. Ảnh: VÕ QUÝ
Sau năm 1975, Quảng Ngãi xây dựng Khu chứng tích Sơn Mỹ. Bây giờ, khu chứng tích này trở thành điểm đến đầu tiên của du khách nước ngoài khi đặt chân đến Quảng Ngãi. Nhiều người đến đây khi xem những bức ảnh trưng bày trong khu chứng tích, đi dọc con mương mà trong ngày thảm sát ngập xác người hoặc dừng chân ở những ngôi nhà được phục dựng bị cháy nham nhở… đã không cầm được nước mắt. Họ đã viết trong sổ ghi cảm tưởng với những dòng cảm xúc rằng xin được chia sẻ nỗi đau với gia đình có người thân bị thảm sát, đồng thời họ lên án chiến tranh và không muốn xảy ra một Sơn Mỹ đau thương nào nữa trên hành tinh này.
Ronald L. Haeberle luôn bộc bạch: “Giá như tôi chụp thêm vài tấm ảnh về những gì xảy ra ở con mương và chiếc hầm bây giờ nằm trong khu chứng tích... Những gì đã xảy ra thật tàn bạo và kinh khủng!”.
Niềm vui khi nhìn Sơn Mỹ đổi thay
Ronald L. Haeberle cho hay lần đầu tiên ông trở lại Sơn Mỹ là vào tháng 2-2000 trong một tour đạp xe đạp từ Hà Nội vào TP.HCM. Khi ấy, ông không có nhiều thông tin về Sơn Mỹ và lòng cũng lo ngại không biết người dân nơi đây sẽ nghĩ gì về sự xuất hiện của ông, bởi suy cho cùng ông tuy là phóng viên nhưng biên chế trong quân đội Mỹ.
Ông kể lần đến đầu tiên này, ông cố định thần và ngẫm nghĩ lại những điều khủng khiếp xảy ra trong vụ thảm sát. Lần đến Sơn Mỹ âm thầm này tuy chẳng thể chia sẻ với ai nhưng trong lòng ông luôn muốn bày tỏ sự tôn trọng và thương tiếc cho những nạn nhân và hiểu thêm về làng quê Sơn Mỹ sau chiến tranh.
Lần thứ hai ông trở về Sơn Mỹ vào năm 2011. Tại khách sạn Sông Trà (nằm bên cầu Trà Khúc), gặp nhiều phóng viên, ông đã nói lên lời xin lỗi về những gì đã xảy ra trong quá khứ ở Sơn Mỹ. Và ông hỏi rằng liệu sự trở về của ông có làm người dân nơi đây căm giận hay không. Câu trả lời ông nhận được là nhờ có những tấm ảnh của ông mà vụ thảm sát Sơn Mỹ đã được đưa ra ánh sáng. Khi về thăm khu chứng tích, nhìn thấy ảnh của chính mình được treo cùng đôi dòng thuyết minh mình là tác giả, Ronald L. Haeberle thấy nhẹ lòng.
Cũng trong lần trở về này, ông đã góp phần xác minh bức ảnh hai đứa trẻ, đứa lớn che đạn cho em mà ông chụp được trưng bày trong vụ thảm sát. Bức ảnh này, một Việt kiều ở Đức tên Trần Văn Đức cho rằng đó là bức ảnh chụp hai anh em mình. Tuy vậy, cho đến giờ, việc xác minh bức ảnh chưa đến hồi kết.
“Sơn Mỹ luôn hiện diện trong cuộc sống của tôi”
Ronald L. Haeberle quay lại Sơn Mỹ lần thứ ba vào tháng 3-2013, đúng vào dịp tưởng niệm 45 năm ngày xảy ra vụ thảm sát. Với bản tính khiêm nhường, ông đứng lẫn vào đám đông. Khi nghe ban tổ chức giới thiệu về mình và mời ông lên hàng ghế dành cho những quan khách, ông ngại ngùng. “Bất cứ phóng viên nào khi chứng kiến sự kiện tàn bạo như thế này đều ghi lại và đều phải hành xử như tôi, tức phải đưa sự việc ra ánh sáng!” - Ronald L. Haeberle nói.
Lần trở về này, ông đã dành nhiều thời gian thăm khu chứng tích, trả lời phỏng vấn các nhà báo và thăm lại những địa điểm xảy ra vụ thảm sát. Trước những đổi thay của làng quê, ông cố nhớ lại những vị trí, những địa điểm xảy ra vụ thảm sát mà ông đã chụp ảnh trong buổi sáng kinh hoàng ở Sơn Mỹ. Và cũng như những lần trước, gặp người quê Sơn Mỹ, ông đã bày tỏ lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và những người sống sót sau vụ thảm sát.
Ronald L.Haeberle lại trở về Sơn Mỹ lần thứ tư vào năm 2015. Về nhiều lần nên quen, ông lại vào thăm khu chứng tích, thăm cánh đồng làng Thuận Yên và dừng lại thật lâu dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Ông vui vì sự thay đổi của làng quê và cảm thấy gần gũi, gắn bó hơn, thân thuộc hơn với mảnh đất này. “Sơn Mỹ luôn hiện diện trong cuộc sống của tôi!” - Ronald L.Haeberle luôn nói thế.
Ronald L. Haeberle cho hay dịp tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát ông sẽ trở về Sơn Mỹ. Khi bài báo này lên khuôn, ông gọi điện thoại với người viết thông báo ông đã đến TP.HCM rồi và 13 giờ trưa nay, 15-3, ông cùng con gái, con rể và bạn bè sẽ bay từ TP.HCM đến Chu Lai để kịp ngày mai, 16-3, tham dự lễ tưởng niệm. Ông nói mình cũng sẽ một lần nữa đi quanh xóm cũ, gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình có người thân bị thảm sát cùng những người còn sống sót. Ronald L. Haeberle lặp lại: “Tôi tin rằng mọi người đều mong muốn hòa bình, không có chiến tranh gây cảnh đau thương, tang tóc trên hành tinh này”.
Sơn Mỹ - nửa thế kỷ hồi sinh Dịp tưởng niệm 50 năm ngày xảy ra vụ quân đội Mỹ thảm sát 504 thường dân ở Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và công bố trang website về Khu chứng tích Sơn Mỹ. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xuất bản đặc san “Sơn Mỹ - Hành trình hồi sinh nửa thế kỷ (1968-2018)”, tổ chức tuần phim về Sơn Mỹ. Tỉnh cũng sẽ trưng bày một số hình ảnh về “Sơn Mỹ trong tiến trình hồi sinh”, kết hợp với trưng bày các tác phẩm đoạt giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Quảng Ngãi. Dịp này, tỉnh Quảng Ngãi cũng tiến hành chỉnh trang, trùng tu tôn tạo di tích Sơn Mỹ, khánh thành gian thờ những nạn nhân vụ thảm sát và khám chữa bệnh miễn phí, thăm tặng quà cho các gia đình vụ thảm sát Sơn Mỹ. |