Nhà Bruno Cerigvat nằm khuất sâu trong thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi với vòm cây thật yên bình. Hỏi chuyện vì sao chọn nơi này làm quê hương, Bruno mỉm cười, bảo đó là cái duyên.
Bén duyên Sơn Mỹ
Bruno sinh năm 1965, quê ở Amberieu (Pháp) và từng nhiều năm phục vụ trong quân đội Pháp. Sau khi xuất ngũ, ông làm việc ở TP Lyon. Tại đây ông giúp nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam (VN) tìm được nơi ăn ở, làm thêm.
Năm 2007, theo lời rủ rê của những sinh viên Việt từng được ông giúp, ông sang VN, say sưa với cảnh sắc, con người VN, nhất là những công trình kiến trúc của người Pháp ở Sài Gòn.
Sau khi thăm nhà của những người bạn ở Sài Gòn, Tây Ninh, Bruno một mình một túi theo chuyến tàu ra TP Đà Nẵng, Hà Nội tiếp tục chuyến du lịch, khám phá.
Càng đi ông càng thấy mến người VN năng động và hiếu khách nên quyết định lưu lại VN lâu hơn. Ông tham gia dạy tiếng Pháp tại một trung tâm ngoại ngữ gần Hồ Tây (Hà Nội) rồi vào TP.HCM tiếp tục dạy học ở Trung tâm ngoại ngữ quận Phú Nhuận.
Tại nơi này, ông đã quen với cô sinh viên VN Nguyễn Kiều Chinh, quê Quảng Ngãi. Một đám cưới không ồn ào được cử hành trong sự chúc phúc của bạn bè, người thân.
Cưới xong, người đàn ông Tây theo vợ về thăm quê và sống một thời gian ở TP Quảng Ngãi.
Cha Kiều Chinh người gốc Tịnh Khê, làm nghề thuốc Bắc. Mặc dù lên TP Quảng Ngãi sinh sống nhưng vẫn có tiệm thuốc ở quê. Ông đã đưa con gái mình cùng chàng rể Tây về vùng đất cuối sông Trà, nơi có khu chứng tích Sơn Mỹ, có bãi biển Mỹ Khê đẹp tuyệt vời với những con tàu thường ngày ra khơi và gió biển thổi lồng lộng.
Bruno yêu thích làng quê nên khi được vợ gợi ý đã quyết định xây tổ ấm ở thôn Mỹ Lại.
Bruno trong màu áo xanh tình nguyện đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn Tịnh, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi).
Bruno giờ đã quen cách chăm bón cây trong vườn nhà.
Trong giờ sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh ở Sơn Mỹ.
Sốc với nỗi đau quê vợ
Khi biết Bruno chọn Sơn Mỹ làm quê hương, nhiều bạn bè của ông ở Pháp sang VN du lịch đã tìm đến tận nhà thăm và cũng để thỏa nỗi tò mò điều gì đã níu chân ông ở làng quê xa xôi miền Trung này. Họ đã cùng Bruno đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ.
Bruno xúc động kể: “Lần đầu vào phòng trưng bày của khu chứng tích, trong ánh sáng nhợt nhạt, tôi nhìn thấy một bảng bia ghi tên người bị thảm sát. Tên nạn nhân cứ dài nối đuôi nhau, hầu hết là người già và trẻ em, tôi thật sự sốc. Rồi sau đó nhìn thấy những bức ảnh cận cảnh, trong đó có bức ảnh lính Mỹ chĩa nòng súng vào màng tang của người già, hay quăng người xuống giếng rồi ném lựu đạn xuống, tôi như bị ám ảnh. Tôi từng mặc áo lính nên hiểu việc phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Nhưng những người bị quân đội Mỹ bắn giết đều là những người già và trẻ em, không có vũ khí, sao lại có thể tàn sát vô tội vạ?” - Bruno đau đáu câu hỏi.
Từ đó ông tìm đọc các bài báo, tư liệu về vụ thảm sát Sơn Mỹ và hầu như ngày nào cũng ghé thăm khu chứng tích để ngẫm nghiệm về nỗi đau chiến tranh hoặc chuyện trò với khách nước ngoài khi họ cần trợ giúp. Những lời thuyết minh của Bruno tạo được sự đồng cảm của nhiều khách nước ngoài. Nhiều người đến đây xem những bức ảnh đã không cầm được nước mắt. Họ hiểu hơn về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình.
Có khi chiều về, trong khu chứng tích, gió thổi xuyên lá cành nghe xào xạc. Phía bên trong khu chứng tích còn đó những bức ảnh, những tư liệu hiện vật ngập tràn nỗi đau. Nhưng bên ngoài khu chứng tích, cánh đồng lúa lên xanh rì, thấp thoáng cánh cò. Ông hiểu theo thời gian rồi vết thương cũng liền thịt da. Nhưng cho dù vết thương có lành thì cũng để lại vết sẹo trong lòng người...
Luyện tiếng Anh cho trẻ em làng
Ở lại làng quê Sơn Mỹ, Bruno nhìn thấy những đứa trẻ hiền lành nhưng sống vất vả. Ngoài giờ học, các em phải chăn trâu hay giúp mẹ làm đồng. Bọn trẻ hồn nhiên nhưng thường ngại tiếp xúc với người lạ, nhất là người nước ngoài. Muốn dạy lũ trẻ học, Bruno đã tự “tiếp thị” mình.
Nhiều hôm ông kiên nhẫn đứng ở cổng trường để chờ đến giờ tan trường làm quen với các em. Ban đầu là ánh mắt, nụ cười, cái vẫy tay thân thiện. Sau đó ông hỏi chuyện và ngỏ ý muốn dạy tiếng Anh. Khó ở chỗ ông là người Pháp, tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ nên muốn giúp các em thì ông phải nỗ lực gấp đôi người dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Thế là ông lục lại vốn tiếng Anh thời phổ thông rồi tự rèn luyện.
Ban đầu Bruno hướng dẫn cho từng nhóm trẻ sau giờ học. Rồi sau đó ông trở thành “trợ lý” cho giáo viên trong việc rèn nói tiếng Anh trường làng, mỗi tuần hai buổi.
Đám trẻ trong làng ban đầu ngài ngại Bruno rồi theo thời gian quen dần. Mỗi khi gặp nhau, Bruno thường chào bọn trẻ bằng cách đưa tay vỗ vào tay các em. Lối chào “phi ngôn ngữ” này xuất hiện khi lũ trẻ chưa học tiếng Anh và vẫn được duy trì đến bây giờ. Người trong làng bây giờ nghe tiếng đôi tay chạm vào nhau hoặc từ xa thấy hai người chạm tay là biết ngay đó là Bruno cùng các em.
Rồi cũng từ việc Bruno luyện nói tiếng Anh cho học sinh, nhà trường nơi Bruno cộng tác đã xin phép thành lập câu lạc bộ tiếng Anh mang tên Bruno.
“Ông Tây tử tế” trên vùng đất khó
Không chỉ hướng dẫn nói tiếng Anh ở Sơn Mỹ, Bruno còn tham gia luyện tiếng Anh cho trẻ em ở Nhà thiếu nhi TP Quảng Ngãi, rồi luyện nói cho sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM Chi nhánh ở Quảng Ngãi.
Cũng từ nơi này, ông đến với chiến dịch Mùa hè xanh, đi tới những bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Tơ, Sơn Tây. Người dân trên vùng đất khó ấy ngỡ ngàng vì có ông Tây cùng các sinh viên tình nguyện chặt cây, khiêng gỗ về làm nhà, biết dạy cho lũ trẻ học bơi.
Chị Kiều Chinh, vợ Bruno, kể: “Ngày mới về nơi đây, Bruno ngạc nhiên khi thấy sớm sớm có bầy vịt kéo nhau ra sông, rồi sau đó là đến đàn bò kéo nhau ra đồng. Bây giờ thì tất cả đã quen rồi”. Bruno đã quen cầm đũa, ăn cơm chay, gặp ai cũng chào hỏi và đáp lại là những lời nói, nụ cười thân thiện.
Đến khu vực bùng binh Tịnh Khê, hỏi Bruno là bác xe Honda thồ, chị bán bánh xèo đều trả lời vanh vách và nhiệt tình chỉ đường.
Ông bộc bạch: “Sơn Mỹ thật ấm áp tình người. Đây là quê hương của vợ mà cũng là quê hương thứ hai của tôi!”.
Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi Trương Thanh Thảo nói: “Nhờ có Bruno, trẻ em nơi này có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài và thực hành nói tiếng Anh được tốt hơn. Địa phương cũng tạo điều kiện cho Bruno thành lập câu lạc bộ tiếng Anh, hy vọng ông sẽ gắn bó và đóng góp nhiều cho trẻ em Sơn Mỹ”.
Sơn Mỹ ngay trong ngày xảy ra vụ thảm sát 49 năm trước có phi công Hugh Thompson, xạ thủ súng máy Lawrence Manley Colbounr đã tìm mọi cách để cứu những thường dân. Sau chiến tranh, đã có nhiều du khách nước ngoài tìm về rồi tự nguyện gắn bó với đất này. Đó là Mike Mayboem, cựu binh Mỹ, tháng 3 nào cũng về đây kéo đàn dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Cựu binh Mỹ Bille Kelly mang 504 hoa hồng đặt dưới chân tượng đài Sơn Mỹ để tưởng niệm thường dân bị thảm sát. Tác giả của những bức ảnh Mỹ Lai, Ronald L. Haeberle, cũng tìm về nơi đây và muốn làm gì đó cho quê hương này. |