Tháng năm đi qua, nỗi đau Sơn Mỹ càng được nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới đồng cảm và chia sẻ. Nhiều cựu binh, nhiều du khách đến thăm rồi trở thành những người bạn của Sơn Mỹ - những người bạn của hòa bình. Họ cùng chia sẻ nỗi đau, cùng mừng vui trước sự đổi thay trên mảnh đất này.
Trước khi qua đời vào tháng 1-2006, nguyên phi công Mỹ Hugh Thompson đã cùng với nguyên xạ thủ Lawrence Colbum nhiều lần về thăm Sơn Mỹ. Trong ngày xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Sơn Mỹ năm 1968, chính Hugh Thompson và Lawrence Colburn đã cùng với viên phi công Mỹ Glenn Andreotta cứu sống 15 thường dân.
Nhân chứng sống của cuộc thảm sát
Gặp những người từng được cứu trong vụ thảm sát, Hugh Thompson và Lawrence Colburn vừa vui mừng như gặp người thân. Nhưng liền đó, hai ông lại rơi nước mắt. “Giá như trong buổi sáng ấy chúng tôi cứu được nhiều người hơn” - Lawrence Colburn day dứt nói.
Giờ thì người bạn Hugh Thompson đã qua đời. Bà Phạm Thị Nhung, người từng được Hugh Thompson cứu trong vụ thảm sát, nói: “Nghe ổng mất, chúng tôi đều thương tiếc. Giá mà nhà của ổng ở gần đây bà con sẽ đến thắp cho ổng một nén hương”.
Còn Lawrence Colburn, trong một lần về Sơn Mỹ dự lễ tưởng niệm, thì tâm sự: “Tôi sang Việt Nam chủ yếu là về Sơn Mỹ. Tuy vậy, điều kiện của tôi không cho phép để năm nào cũng về đây dự lễ tưởng niệm được. Nhưng tấm lòng của tôi với người dân, với vùng quê Sơn Mỹ thì vẫn mãi trong tim”.
Khu chứng tích Sơn Mỹ, điểm hẹn của những người yêu chuộng hòa bình thế giới.
Còn nhớ ngày 24-10-2011, Ronald L. Haeberle - nguyên phóng viên quân đội Mỹ, tác giả của những bức ảnh về Mỹ Lai - cũng tìm về Sơn Mỹ. Ông đi dọc con mương nhỏ, thăm ngôi nhà bị cháy trong vụ thảm sát được phục dựng rồi dừng lại khá lâu dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Ông bộc bạch sau vụ thảm sát Sơn Mỹ, ông vô cùng day dứt và quyết định phải nói lên sự thật, một sự thật kinh hoàng và đau đớn. Dù rằng sau khi công bố những bức ảnh, ông đã bị an ninh quân đội Mỹ “hỏi thăm” và trở thành nhân chứng trước tòa án Mỹ.
Cũng như Hugh Thompson, Ronald L. Haeberle tự vấn với lòng mình, rằng “giá như buổi sáng đó tôi chụp được nhiều bức ảnh hơn để cho mọi người thấy rõ hơn về nỗi đau mà người dân Sơn Mỹ phải gánh chịu”. Ông nói cuộc đời mình đã gắn với Sơn Mỹ và hẹn trong dịp tưởng niệm 45 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ tới đây ông sẽ quay lại Việt Nam để thắp hương dưới chân tượng đài Sơn Mỹ.
Những người bạn
Năm 1998, cựu binh Mỹ Mike Boehm - người từng đóng quân ở Nam Bộ trong cuộc chiến tranh Việt Nam - đặt chân đến Sơn Mỹ. Từ đó, cứ đến dịp tưởng niệm hằng năm ông lại về đây trong trang phục áo dài, khăn đóng và nghiêm cẩn đứng dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ tấu khúc vĩ cầm để tưởng niệm 504 thường dân bị thảm sát.
Cựu binh Mỹ Mike Boehm đang kéo vĩ cầm dưới chân tượng đài Sơn Mỹ.
Những thành viên của Hội Vì hòa bình thế giới của Nhật xếp hàng dâng hương tưởng niệm dưới tượng đài Sơn Mỹ vào tháng 3-2008. Ảnh trong bài: VÕ QUÝ
Thường sau ngày tưởng niệm, Mike Boehm hay nán lại một tuần ở Quảng Ngãi để đi thăm và trao vốn hỗ trợ cho một số người dân ở xung quanh, giúp họ có điều kiện hơn trong sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Đến Việt Nam và ở lại Quảng Ngãi nhiều lần nên Mike Boehm đã quen với cách sinh hoạt của người Việt, ông thường xuyên cưỡi xe máy đến những xóm làng, gặp gỡ trao đổi và chuyện trò với nhiều người dân. Không chỉ Sơn Mỹ, ông còn đến khu tưởng niệm đồng bào bị quân đội Mỹ sát hại ở Khánh Giang - Trường Lệ (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) hoặc về xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn - nơi quân đội Nam Triều Tiên sát hại thường dân. Đến nơi nào, Mike Boehm cũng tấu khúc vĩ cầm để bày tỏ tấm lòng của mình với người đã khuất.
Lâu dần thành quen, nhiều người dân Sơn Mỹ gọi Mike Boehm bằng cái tên thân mật: ông Mai. Mike Boehm rất thích thú và tự hào vì điều đó.
Không chỉ có những cựu binh Mỹ, những năm gần đây, nhiều khách nước ngoài cũng thường xuyên đến thăm Sơn Mỹ. Trong số này có cả những người trong Hội vì hòa bình thế giới của Nhật. Đó là những người may mắn sống sót trong thảm họa ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật) năm 1945, cũng do Mỹ gây ra. Bà Codoba, một thành viên của hội này, nói: “Quân đội Mỹ đã gây nên thảm họa Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Những tưởng đó là bài học nhưng rồi họ vẫn tái diễn ở Sơn Mỹ và nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Đó là điều đáng lên án. Chúng ta cần bảo vệ, tôn tạo di tích để thức tỉnh lương tri loài người để không bao giờ xảy ra những thảm kịch kinh hoàng như thế nữa”.
Hồi sinh từ đau thương, mất mát
Anh Phạm Thành Công, Giám đốc Ban Quản lý các di tích lịch sử văn hóa Quảng Ngãi, người có cha là liệt sĩ, đồng thời mẹ và bốn anh chị em bị quân đội Mỹ giết chết trong buổi sáng kinh hoàng 16-3-1968, kể: “Nhiều du khách đến Sơn Mỹ đã rơi nước mắt. Có người còn tìm gặp tôi và các nhân chứng khác để hiểu rõ hơn về vụ thảm sát. Lệ thường, đi tham quan có ai muốn quay trở lại những nơi mình đã đi qua đâu. Nhưng Sơn Mỹ thì khác. Nhiều người đã quay lại đây nhiều lần, bởi họ cảm nhận được nỗi đau và đồng cảm với người dân Sơn Mỹ”.
Không chỉ đồng cảm, nhiều người, nhiều tổ chức nhân đạo đã đóng góp kinh phí để xây bệnh viện, trường học (như BV Sơn Mỹ, Trường Tiểu học Sơn Mỹ). Ngoài ra, họ còn cho một số phụ nữ nghèo được vay vốn làm ăn, góp phần thay đổi làng quê từng chịu nhiều tang thương, mất mát.
Sơn Mỹ đang hồi sinh từ trong đau thương, trong sự quan tâm của cả nước và sự sẻ chia, đồng cảm của những người bạn nước ngoài. Đó cũng là mong muốn và là cách để nhiều người nguôi ngoai ký ức đau buồn của vụ thảm sát 45 năm về trước.
Người cựu binh Mỹ và 504 đóa hồng Nhiều năm rồi, cứ đến ngày tưởng niệm 504 thường dân bị quân đội Mỹ thảm sát trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, Billy Kelly - một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam từng đóng quân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lại mang 504 đóa hồng đặt dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ. Billy Kelly nói: “Năm nào tôi không sang Việt Nam dự lễ tưởng niệm được thì sẽ nhờ người khác làm việc này, bởi đây là tâm nguyện, là tấm lòng của tôi đối với những thường dân, những người đã khuất trong vụ thảm sát”. Bà Hà Thị Quý, một trong những người sống sót trong vụ thảm sát, nói: “Cứ đến ngày tưởng niệm mà chưa thấy chậu hoa hồng của ông Cây (tức Billy Kelly - PV) là sốt ruột. Dù mình không biết tiếng của ổng nhưng việc ổng làm thân thuộc và cảm động quá!”. |
VÕ QUÝ