Ảnh cưới - muốn chụp gì thì chụp?

Bộ ảnh được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội mặc dù chỉ mới hé lộ bốn tấm. Đáng buồn là ý kiến phản đối ý tưởng, không hài lòng cách thể hiện và lo lắng những điều có vẻ tâm linh lại nhiều hơn số người tán dương.

Ảnh cưới lạc đề

Rất dễ hiểu khi đại đa số người xem ảnh đều lắc đầu. Bộ quần áo hai bạn trẻ lựa chọn xét về thẩm mỹ không làm tôn lên vẻ đẹp hai người, biểu cảm trên gương mặt cũng không liên quan đến tình yêu, hạnh phúc; đáng ngại nhất là bộ quần áo tù nhân mà chú rể mặc khiến người ta không khỏi… gai gai vì thấy nó không tốt lành.

Ảnh cưới - muốn chụp gì thì chụp? ảnh 1

Ảnh cưới của cặp đôi Thiên Dương-Thanh Hằng

Do đó, ý tưởng “làm tù nhân của em suốt đời” áp dụng cho một bộ ảnh cưới không đủ để chinh phục số đông. Nếu đó là bộ ảnh kỷ niệm đơn thuần có lẽ sẽ được đồng tình hơn.

Một ý kiến khá hợp lý là “hình cưới bây giờ chụp như đóng phim. Đẹp cũng nhiều nhưng lạc đề cũng nhiều”. Lạc đề bởi nó làm xấu đi ý nghĩa của hôn nhân (tù đày), làm xấu hình ảnh người vợ (quản ngục), không may mắn (không ai muốn khoác bộ áo tù lên người dù chỉ là diễn). Lạc đề bởi không thể hiện được bước chuyển quan trọng đầy ý nghĩa của lứa đôi, ghi dấu thời điểm họ quyết định gắn bó hai cuộc đời với nhau trong tình yêu để hướng đến một tương lai tròn vẹn, hạnh phúc hơn đoạn đời trước đó.

Ảnh cưới - muốn chụp gì thì chụp? ảnh 2

Tự do là quyền cơ bản

Điều này đương nhiên, ảnh cưới của cá nhân do cá nhân toàn quyền quyết định. Bộ ảnh cưới “quản ngục-tù nhân” cũng nhận được một số ý kiến khen ngợi rằng độc đáo, sáng tạo và tinh thần “hy sinh” rất đáng quý của chú rể. “Bỏ qua các lẽ thông thường thì đây là bộ ảnh thể hiện sự sáng tạo và thông minh” - là một nhận xét thiện cảm cho bộ ảnh.

Trước đây, diễn viên Hải Anh từng thực hiện bộ ảnh tương tự nhưng cô dâu vẫn mặc soire, chỉ có chú rể Hải Anh là mặc áo tù, cầm súng bảo vệ người đẹp.

Ảnh cưới - muốn chụp gì thì chụp? ảnh 3
 Ảnh cưới của diễn viên Hải Anh

Chú rể Thiên Dương (30 tuổi, huấn luận viên dancesport tại Thái Nguyên) và cô dâu Thanh Hằng (22 tuổi, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên) trước sự ồn ào của dư luận đã lên tiếng trên iOne .Theo cặp đôi, ý tưởng của bộ ảnh bắt nguồn từ câu nói vui "lấy vợ như đeo gông vào cổ", được thực hiện với tính chất trong sáng và mang ý nghĩa cá nhân. Nó nên được hiểu trong khuôn khổ gia đình theo hướng đơn giản, không nên suy diễn để có những cái nhìn tiêu cực.

Mặc dù thừa nhận tự do là đặc quyền của mọi cá nhân nhưng khi thông tin đã tràn lan trên mạng xã hội sẽ không có cách gì ngăn được “tự do” ngôn luận của công chúng. Hậu quả là đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nhất định cho một sự việc vốn chỉ mang tính chất nội bộ.

Độc thế nào cho hay, cho đẹp?

Càng ngày các cặp đôi trẻ càng dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc đầu tư cho bộ ảnh cưới. Có thể vì ảnh cưới chính là một “hạng mục” kỷ niệm có thể lưu giữ lâu nhất sau đám cưới. Càng nghĩ thì người ta càng nảy sinh nhiều ý tưởng lạ, thậm chí nổi loạn, phá cách để có bộ ảnh đặc biệt nhất, hài lòng nhất khiến bạn bè người thân ngưỡng mộ nhất.

Ảnh cưới - muốn chụp gì thì chụp? ảnh 4
 Ảnh cưới tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên

Xuất hiện một tháng trước đây, bộ ảnh cưới của cặp đôi Văn Tấn (29 tuổi) và Hải Anh (24 tuổi) ở Hà Nội đã được rất nhiều bạn trẻ khen ngợi dù ý tưởng của họ ban đầu cũng vấp phải một trở ngại lớn mang tính tâm linh. Cặp đôi này muốn chụp ảnh cưới trong nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình).

Gia đình phản đối quyết liệt vì cho rằng nghĩa trang là nơi chôn cất người chết, không khí tang thương, không tốt lành. Thế nhưng với chú rể Văn Tấn, “khi chụp ảnh cưới trong nghĩa trang nghi ngút khói hương, tôi thấy như được về với cội nguồn, được thể hiện lòng thành kính với những người đã khuất, nhớ về tổ tiên, nguồn cội và hy vọng gia đình nhỏ sẽ luôn được phù hộ, che chở”.

Ảnh cưới - muốn chụp gì thì chụp? ảnh 5

Chú rể Văn Tấn-cô dâu Hải Anh

Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng tại Công viên Lạc Hồng Viên, thầy Thích Trí Thịnh, chia sẻ: “Trước đây mọi người vẫn nghĩ nghĩa trang là nơi u ám nhưng dưới góc nhìn của Phật giáo, trong sự sống không có gì tự nhiên sinh ra và tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ sự sống này sang sự sống khác. Nhân duyên tất cả mọi người gặp được nhau đều do sự gắn kết của rất nhiều nhân duyên”.

Từ quan điểm đúng đắn đó, cặp đôi đã thực hiện thành công bộ “ảnh cưới trong nghĩa địa” và nhận được nhiều ý kiến yêu thích, khen ngợi của cộng đồng.

Ảnh cưới có thể sang trọng hay giản dị; truyền thống hay hiện đại; chụp ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào… nhưng niềm hạnh phúc, đồng tâm, kỳ vọng… thứ ánh sáng huyền diệu chỉ có vào thời điểm ấy là điều có một không hai  trong cả cuộc đời, cái độc nhất mà chỉ ảnh cưới mới có được. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm