Anh đề xuất G7 có cơ chế chống 'sự tuyên truyền' của Nga

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết các quốc gia thành viên nhóm G7 sẽ xem xét đề xuất xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh chóng để chống lại "sự tuyên truyền" và thông tin sai lệch của Nga, hãng tin Reuters đưa tin.

Phát biểu trước cuộc họp của ngoại trưởng các nước G7 ở London (Anh), ông Raab cho biết Anh đang "đưa các nước G7 xích gần lại gần nhau bằng cách tạo ra một cơ chế phản ứng nhanh chóng" để chống lại những thông tin sai lệch từ Nga.

“Khi chúng tôi nhìn thấy những lời nói dối, sự tuyên truyền, tin giả ở ngoài kia, chúng tôi sẽ không hành động đơn lẻ mà đoàn kết để tạo ra một cơ chế cung cấp sự thật đến không chỉ người dân ở đất nước của mình mà còn là khắp thế giới” - ông Raab nói thêm.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Ảnh: AFP

Theo các quan chức an ninh Anh, Mỹ và châu Âu thì Nga và Trung Quốc đang cố gắng gieo rắc vào phương Tây niềm tin sai lầm bằng cách truyền bá thông tin sai lệch về các cuộc bầu cử cũng như tung tin không đúng sự thật về vaccine COVID-19.

Nga phủ nhận các cáo buộc rằng họ đang can thiệp vượt vào tình hình nội bộ của các quốc gia khác và nói rằng phương Tây đang bị ám ảnh vì sự cuồng loạn chống Nga. Về phía Trung Quốc, nước này nói rằng phương Tây là một “kẻ bắt nạt” và cáo buộc phương Tây đang “chèn ép” mình.

Theo Ngoại trưởng Anh, quốc gia này đã xác định Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của mình, trong khi đó Trung Quốc là thách thức lâu dài nhất về mặt quân sự, kinh tế và công nghệ.

Ngoại trưởng Raab dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 3-5, khởi động một tuần ngoại giao nhằm mục đích củng cố lại vai trò của G7 cũng như hình thành một bức tường thành rộng hơn nhằm chống lại những bên họ coi là “phá hoại trật tự quốc tế”.

Các thành viên G7 gồm Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Theo Reuters, tổng GDP của các thành viên G7 lên tới khoảng 40.000 tỉ USD.

Trong những tháng gần đây, các quan chức Anh và Mỹ đã bày tỏ quan ngại về mối quan hệ hợp tác chiến lược ngày càng tăng giữa Nga - quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới - và Trung Quốc - nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Khi được hỏi về những lo ngại nêu trên, Ngoại trưởng Raab cho biết: "Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là mở rộng cuộc họp kín tầm quốc tế với các quốc gia có cùng chí hướng ủng hộ xã hội cởi mở, ủng hộ quyền con người và dân chủ, cũng như ủng hộ thương mại mở".

Vị Ngoại trưởng Anh cũng cho biết cần phải phá bỏ một số rào cản giữa G7 và các nước cùng chí hướng. Việc phá bỏ này nhằm mục đích tạo ra một mạng lưới đồng minh rộng lớn hơn ủng hộ thị trường mở và dân chủ.

Anh đã mời Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc tham dự cuộc họp tuần này, kéo dài từ ngày 3-5 đến 5-5, cũng như hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới.

Khi được hỏi liệu Anh có thể tìm cách tham gia một nhóm riêng biệt được gọi là Bộ tứ - gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - hay không, ông Raab cho biết vẫn chưa có đề xuất cụ thể nào. Tuy nhiên, ông cho biết Anh đang tìm cách để tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới