Trung Quốc đưa thêm tàu sân bay vào Biển Đông tập trận

Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên của lực lượng hải quân Trung Quốc - ông Gao Xiucheng ngày 2-5 khẳng định nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông mới đây đã tiến vào Biển Đông và hoàn thành xong các hoạt động diễn tập quân sự ở đây.

Ông Gao cũng nhấn mạnh các hoạt động của tàu Sơn Đông là "chính đáng" để bảo vệ cái mà ông này gọi là "chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" trong khu vực và trong tương lai sẽ còn tiếp tục diễn tập ở Biển Đông. 

"Chúng tôi hy vọng thế giới bên ngoài sẽ nhìn nhận cuộc tập trận của tàu Sơn Đông một cách khách quan và hợp lý cũng như bất kỳ cuộc tập khác mà chúng tôi sẽ tổ chức trong tương lai" - ông Gao nói thêm. 

Tàu sân bay Sơn Đông neo tại cảng Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hồi tháng 12-2019. Ảnh: TÂN HOA Xà

Giới quan sát quân sự nhận định việc Trung Quốc liên tục cho tàu sân bay xuống Biển Đông là một hoạt động phô trương sức mạnh trong bối cảnh các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu ngày càng hiện diện mạnh mẽ ở vùng biển này. 

Nhóm tàu sân bay Sơn Đông được triển khai chỉ vài ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh hoàn tất tập trận ở Biển Đông và rời khỏi khu vực này hồi tuần trước.

Động thái cũng diễn ra sau khi đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tỉnh đảo Hải Nam để tham dự lễ biên chế ba tàu chiến cho hạm đội Nam Hải trực chiến Biển Đông hôm 23-4.

Về tàu sân bay Sơn Đông, đây là tàu sân bay do Trung Quốc tự thiết kế và đóng trong nước. Tàu được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc cuối tháng 12 năm ngoái và đến nay đã trải qua nhiều đợt vận hành thử nghiệm ngoài thực địa.

Dù vậy, tờ Business Insider dẫn nguồn một số chuyên gia chỉ ra tàu sân bay Sơn Đông mắc một loạt điểm yếu về kỹ thuật dễ khiến tàu này trở thành mục tiêu đánh phá khi thực chiến.

Cụ thể, điểm yếu lớn nhất là tàu này sử dụng động cơ dầu diesel vốn ngốn rất nhiều nhiên liệu, khiến tàu Sơn Đông phụ thuộc rất nhiều vào các tàu hậu cần đi theo. Hải quân Trung Quốc đến nay chưa đủ nguồn lực để xây dựng một hạm đội hoàn chỉnh đi theo hỗ trợ và bảo vệ tàu sân bay này như các hạm đội của Mỹ. 

Ngoài ra, công nghệ hỗ trợ cất cánh cho các chiến đấu cơ được đánh giá không hiện đại bằng các tàu sân bay Mỹ khiến tàu này không chịu được nếu nhiều máy bay cất cánh cùng lúc. Phi công của Trung Quốc cũng chưa được đào tạo đầy đủ cho thao tác hạ, cất cánh trên tàu sân bay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm