Tầm quan trọng của TPP không chỉ dừng lại ở phạm vi kinh tế, dù nó là nòng cốt, mà nó còn đem lại sự phân bổ quyền lực trên phạm vi toàn cầu.
“Đối với Việt Nam, TPP sẽ đưa Việt Nam lên một tầm cao hơn rất nhiều, đòi hỏi phát triển về chất, buộc Việt Nam phải đứng trước sự lựa chọn cải cách rõ ràng với cam kết mạnh mẽ để đưa nền kinh tế theo thị trường” - ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, khi tham gia vào TPP, mỗi năm GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2%, tương ứng 3,7 tỉ USD. “Các khoản gia tăng cho GDP Việt Nam khi chúng ta gia nhập TPP là tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu và tăng đầu tư, trong đó có cả đầu tư FDI và tổng đầu tư toàn xã hội (đầu tư nội địa). Lợi thế lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào hiệp định này là thúc đẩy xuất khẩu tăng cao” - TS Nguyễn Đức Thành nói.
Tuy nhiên, theo ông Thành, TPP không phải là “màu hồng”, quá trình hội nhập sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế. Các ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ là chăn nuôi, DN phân phối, bán lẻ, khu vực DN nhỏ và vừa.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng TPP sẽ khác với WTO với những yêu cầu cao hơn trong vấn đề tự do hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, tài chính, mua sắm chính phủ. Trong đó, hiệp định đề cao sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng.
Theo ông Doanh, ngành chăn nuôi, nông nghiệp sẽ bị tác động mạnh nhất khi TPP có hiệu lực. “Các hộ chăn nuôi gà, heo… quy mô nhỏ sẽ khó cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đặc biệt là những quy định về hàm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, chất bảo quản đối với nông sản cũng khắt khe” - ông Doanh cảnh báo.
Trong khi đó, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ bị chi phối rất lớn từ TPP. Quy định hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ chính phủ hoặc các chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản sẽ là bất lợi cho ngành nông nghiệp. Bởi hiện nay ngành này đang được nhận nhiều ưu đãi về thuế đất, lãi suất vay vốn,…
Ngành dệt may cũng sẽ bị ảnh hưởng từ quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Nghĩa là bắt buộc các DN Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu dệt may của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc, chiếm 70%.