Đề xuất áp dụng xét xử theo án lệ của TAND Tối cao đã bị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phản đối kịch liệt trong cuộc họp ngày 21-8 với lý do không phù hợp với pháp luật Việt Nam. Hơn nữa, theo các đại biểu, pháp luật luôn thay đổi, do đó không phải lúc nào án lệ cũng đúng, nếu chưa nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ mà đã đưa vào xét xử dễ dẫn đến chủ quan, áp đặt...
Chưa thể áp dụng án lệ
Tại tờ trình QH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ cho rằng việc áp dụng án lệ ngoài ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể còn thiết lập ra một tiền lệ để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này. Do đó sẽ tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử các vụ án giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của các thẩm phán, các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tranh tụng. Đồng thời còn giúp các đơn vị khi đàm phán, soạn thảo và ký kết hợp đồng giao dịch dân sự, thương mại biết phòng tránh rủi ro.
Tuy nhiên, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nói rằng quy định trên không phù hợp với hệ thống pháp luật nước ta. Đặc biệt là hiện nay chúng ta đang không ngừng sửa đổi, bổ sung các quy định nên trong từng giai đoạn cụ thể thì chính sách pháp luật cũng sẽ không còn giống nhau. Hơn nữa, một bản án muốn coi là án lệ phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo luật định chứ không phải bất kỳ bản án nào của tòa án cấp trên cũng được coi là án lệ bắt buộc phải tuân theo.
Nhiều đại biểu cho rằng áp dụng án lệ trong thời điểm này là chưa phù hợp. Trong ảnh: Một phiên tòa dân sự tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích: Bản thân án lệ chính là pháp luật, để lấy vụ án đó áp dụng cho vụ án sau. Nhưng trình bày như trong dự thảo thì chưa phải là án lệ vì luật pháp hiện nay luôn luôn thay đổi. Và khi đã thay đổi thì không thể lấy bản án cũ áp dụng cho các vụ án sau được…
Ủng hộ xem lại bản án đụng trần
Về trường hợp phát hiện có sai lầm trong quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao, theo Phó Chánh án Từ Văn Nhũ, chưa có quy định nào cho phép xem xét lại các quyết định trên. Điều này dẫn đến tình trạng dù kiểm tra phát hiện một số quyết định của HĐTP TAND Tối cao có sai lầm nhưng không có cơ sở để kháng nghị và xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên quy định như hiện nay vì việc giải quyết phải có điểm dừng. Nhưng chúng tôi cho rằng cần quy định cơ chế xem xét lại quyết định của HĐTP có sai lầm. Theo đó, ban soạn thảo đề nghị trong trường hợp phát hiện bản án có sai lầm thì chánh án TAND Tối cao triệu tập họp HĐTP để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu tại phiên họp có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên biểu quyết tán thành thì việc kháng án được chấp thuận” - ông Nhũ nêu.
Ban soạn thảo cũng đề nghị xây dựng cơ chế mở để xử lý các bản án sai dù thời hạn kháng nghị đã hết hiệu lực. Cụ thể, dự thảo đề xuất giải quyết những vụ việc trên theo hướng HĐTP TAND Tối cao xem xét để chánh án TAND Tối cao hoặc viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Nếu trong xã hội còn một người bị tuyên án sai thì chúng ta phải xem xét để bảo vệ. đó cũng là cơ chế của nhà nước pháp quyền” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tán thành. Cũng đồng tình với đề xuất của dự thảo, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho biết hiện có đến 60% số đơn đề nghị xem xét bản án sai chưa được giải quyết. “Chúng ta không thể cứ để hết ba năm thời hạn kháng nghị rồi lại nói không thể giải quyết được vì thời hạn đã hết. Nói như thế mà không cần biết án đó đúng hay sai là không ổn” - ông Vượng nêu.
Cùng chung quan điểm với ông Thuận, ông Vượng, bà Lê Thị Thu Ba cho biết vấn đề trên cũng đang được nghiên cứu, xử lý trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Hiện UBTVQH và các cơ quan có liên quan cũng đã báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Không phù hợp Hiện nay hệ thống pháp luật nước ta chưa công nhận án lệ là một trong những nguồn luật để được áp dụng trong hoạt động xét xử. Nếu áp dụng vào sẽ không phù hợp. Mỗi nước có chế độ pháp luật riêng nên việc áp dụng án lệ vào nước ta trong thời điểm này là chưa được. Ủy ban Tư pháp đề nghị chưa nên đưa vào dự thảo mà cần đưa vào nghiên cứu xem xét khi sửa đổi hiến pháp, Luật Tổ chức tòa án… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp LÊ THỊ THU BA Chúng tôi xin rút Hiện TAND Tối cao đang nghiên cứu vấn đề án lệ. Cũng có nhiều ý kiến đề nghị chúng tôi bổ sung vào dự thảo Bộ luật TTDS lần này. Do đó chúng tôi bổ sung vào để UBTVQH xem có đồng ý hay không. Nay như thế thì chúng tôi thống nhất xin rút lại, không đưa vào dự thảo nữa. Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH |
THÀNH VĂN