Đây là phương thức dẫn đường tiên tiến trên thế giới dựa trên tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS), được Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chính thức triển khai hôm nay 5-12.
Được VATM đánh giá đưa vào khai thác năm 2012, sân bay Phú Quốc sử dụng các đài phụ trợ dẫn đường mặt đất hoạt động dựa trên sóng vô tuyến. Theo đó, kiểm soát viên không lưu tại Đài kiểm soát không lưu Phú Quốc và tổ lái của các hãng hàng không sử dụng các phương thức bay kiểu truyền thống (hoạt động dựa trên những đài phụ trợ dẫn đường vô tuyến) để điều hành, khai thác trong vùng trời sân bay Phú Quốc.
Do không có radar và khả năng lựa chọn đường bay theo phương thức bay truyền thống nên tiêu chuẩn phân cách cũng như cự ly giãn cách giữa các máy bay đi và đến sân bay quốc tế Phú Quốc là khá lớn.
Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Ảnh: P.ĐIỀN
VATM phân tích: Phương thức bay kiểu truyền thống chỉ phù hợp với những nơi có mật độ bay thấp, khó có thể đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của sân bay quốc tế Phú Quốc. Từ đó, VATM đã nghiên cứu thiết kế các phương thức bay SID/STAR RNP 1 và phương thức tiếp cận RNP APCH tại sân bay Phú Quốc nhằm giải quyết các tồn tại, khó khăn của loại phương thức bay truyền thống.
Việc áp dụng các phương thức bay mới này sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành bay của kiểm soát viên không lưu, tối ưu hóa tiêu chuẩn phân cách giữa các máy bay đi và đến, đồng thời nâng cao mức độ chính xác cũng như an toàn bay lên đáng kể so với việc sử dụng các phương thức bay truyền thống.
Như vậy, sân bay quốc tế Phú Quốc là sân bay thứ sáu tại Việt Nam được triển khai đưa vào khai thác các phương thức bay PBN theo Kế hoạch thực hiện PBN do Cục Hàng không Việt Nam ban hành.
Sân bay Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cấp 4E. Đường hạ cất cánh 45 x 3.000 m; đường lăn song song 23 x 3.000 m; sân đậu máy bay với kích thước đạt chuẩn có tám vị trí đậu, dành cho các loại máy bay tầm trung A320-A321. Nhà ga hành khách có tổng diện tích 24.325 m2, công suất tiếp nhận và phục vụ khoảng 2,6 triệu khách/năm. |