Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, rạng sáng nay, áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9, tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đường đi của áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 1 giờ ngày 4-6, tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía Tây Nam, cách bờ biển Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ vùng tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 5-6, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở khu vực giữa biển Đông có mưa dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Vùng biển từ ngoài khơi Trung bộ, Nam bộ, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Hình ảnh áp thấp nhiệt đới qua vệ tinh.
+ Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, rãnh áp thấp nối với áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông kết hợp với gió mùa tây nam ở phía Nam gây mưa diện rộng ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, có nơi mưa to như Mộc Hóa (Long An) 53 mm, Vĩnh Long 97 mm, Châu Đốc (An Giang) 43 mm, Ba Tri (Bến Tre) 52 mm…
Trong hai ngày tới khu vực này tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Trong 1-2 ngày tới, các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ ngay đầu mùa hè.
Mưa dễ gây sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại các tỉnh như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận.
• Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam ở phía Nam hoạt động mạnh, các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam bộ đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to (Quảng Ngãi 130 mm, An Khê (Gia Lai) 103 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 180 mm,…).
Hôm nay và ngày mai, các tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; các tỉnh Trung Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
Hàng ngàn du khách mắc kẹt tại Lý Sơn vì biển động.
Tại Quảng Ngãi, Bình Định nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng thấp, ngập úng tại TP Quảng Ngãi, Bình Định.
Đây là đợt lũ mùa hè hiếm gặp trong nhiều năm qua ở khu vực Trung Trung bộ.
Ngay từ sáng 3-6, Quảng Ngãi cấm các tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả tàu vận tải tuyến
Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại cho đến khi thời tiết ổn định. Các tàu, thuyền đang hoạt động phải di chuyển ngay vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn.
Việc cấm tàu làm hơn 1.500 du khách đang nghỉ cuối tuần tại huyện đảo Lý Sơn không thể trở lại đất liền. Huyện Lý Sơn đã yêu cầu các nhà hàng, khách sạn hỗ trợ, tuyệt đối không “chặt chém” du khách trong những ngày thời tiết xấu.
Trước đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định trong tháng 6-2018 sẽ có từ một đến hai cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Trung bộ có lượng mưa tháng sẽ cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 20%-50%; riêng Nam Trung bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Lượng mưa tháng tại phía Nam Tây Nguyên phổ biến cao hơn 15%-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Nam bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. |