Áp thấp nhiệt đới tan, dân Cần Giờ không phải sơ tán

Áp thấp nhiệt đới tan, người dân Cần Giờ không phải sơ tán

Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Áp thấp nhiệt đới đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 trên vùng biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng ven biển từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 6.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng và khu vực Nam Bộ hôm nay (6-11) có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến khoảng 20-50 mm, có nơi trên 70 mm) và rải rác có dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Trước đó, vào trưa 5-11, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM), thông tin huyện Cần Giờ dự định tổ chức di dời 1.300 hộ với khoảng 5.000 người dân, là những hộ ven sông, ven kênh, ven biển có nguy cơ sạt lở ở các xã Thạnh An, Long Hòa, Cần Thạnh và một số xã khác để tránh áp thấp nhiệt đới. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP cũng đã xuống Cần Giờ để kiểm tra công tác chuẩn bị.

Tuy nhiên, vào buổi chiều phía huyện cho biết áp thấp nhiệt đới đã tan, không gây ảnh hưởng đến địa phương

Trong ngày 5-11, Bộ Công Thương có báo cáo về kiểm tra quy trình vận hành xả lũ tại thủy điện An Khê-Ka Nak (Gia Lai) và thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) vào ngày 4-11. Việc vận hành hồ giai đoạn này là đúng quy định và không ảnh hưởng đến ngập lụt vùng hạ du đập. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, giám đốc Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak đã nhận thiếu sót trong việc chưa thông báo tới chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Do vậy, đoàn công tác yêu cầu công ty nghiêm khắc rút kinh nghiệm về việc này...

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng dự báo sáng 6-11, người dân cần đề phòng mực nước các sông ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng sẽ lên và dao động ở mức báo động 1-2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, thấp các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Tình trạng ngập lụt hiện ở các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, Đắk Lắk vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); huyện Mdrăk, Krông Bông, Krông Ana, Eakar, Easup, Krông Bông, Krông Pắk (Đắk Lắk); huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng).

Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, đặc biệt là các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Sêrêpôk. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Quốc lộ 1, đường sắt ở Phú Yên bị sạt lở

Ngày 5-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết địa phương đã sơ tán khẩn cấp ba gia đình ở thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An có nhà bị sập do quốc lộ 1 sạt lở nghiêm trọng. Hiện các gia đình này được đưa đến ở tạm nhà người thân và các cơ sở công cộng, sau đó sẽ bố trí tái định cư tại nơi ở mới do không thể ở lại nơi cũ.

Lúc 6 giờ ngày 5-11, đường sắt Bắc-Nam đoạn qua xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị sạt lở taluy âm một đoạn dài hơn 10 m, sâu hơn 3 m với khối lượng trên 200 m3. Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày nay. Sự cố này đã khiến bốn đoàn tàu với hơn 1.500 hành khách bị mắc kẹt tại các ga, đến trưa cùng ngày mới được thông tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới