ASEAN - điểm đến của nhiều thượng đỉnh thế giới

(PLO)- Năm 2022, không chỉ đảm nhận vai trò chủ tịch nhiều tổ chức quan trọng, nhiều thành viên ASEAN còn là điểm đến của nhiều hội nghị thượng đỉnh khu vực và thế giới, thể hiện tiềm năng đi đầu của khối trong việc thúc đẩy hội nhập toàn cầu.

Tháng 11, nhịp độ ngoại giao tại khu vực ASEAN (Hiệp hội Các nước Đông Nam Á) trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết khi tuần trước Campuchia đã tổ chức thành công kỳ hội nghị cấp cao ASEAN và chuỗi hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Phnom Penh.

Tuần rồi Indonesia vừa tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại đảo Bali. Thái Lan cũng vừa kết thúc tốt đẹp tuần lễ hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Khẳng định vai trò trung tâm

Nhờ điều gì ASEAN được chọn trở thành nơi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quan trọng trên? Theo trang Arab News, việc giữ vững bản sắc và vai trò trung tâm trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp ASEAN làm nên thành công ngoại giao trên trường quốc tế.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp ASEAN giữ vai trò trung tâm trên trường quốc tế là duy trì tính trung lập trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gia tăng gay gắt tại khu vực Thái Bình Dương. Thực tế, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc. Song, trong suốt nhiều năm qua các nước này đã hạn chế sự can thiệp của các cường quốc trên tới các quyết định nội bộ.

Thời gian qua các cường quốc đẩy mạnh cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực. Trong bối cảnh này các nước ASEAN đã triển khai nhiều chính sách linh hoạt, sáng tạo, đồng thời giữ thế cân bằng trong quan hệ hợp tác với các cường quốc, tiếp tục phát huy bản sắc và vai trò trung tâm trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ASEAN còn thúc đẩy đối thoại cùng các đối tác để tăng sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi. Đây là dấu ấn riêng giúp ASEAN trở thành địa điểm được chọn để tổ chức các cuộc hội nghị thượng đỉnh quan trọng trong năm 2022, theo Arab News.

Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo trao búa chủ tọa G20 năm tới cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày bế mạc hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) 16-11. Ảnh: REUTERS

Cần phát huy khả năng cân bằng

Đảm nhận vai trò chủ nhà loạt hội nghị thượng đỉnh quan trọng, ASEAN đã tạo ấn tượng về sự cởi mở với tất cả đối tác, đồng thời vẫn khẳng định quan điểm sẽ tiếp tục không chọn bên, nhấn mạnh khả năng duy trì quyền tự chủ của mình.

Hãng tin AFP dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát rằng trong kỳ hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi, vấn đề cạnh tranh Mỹ - Trung đã đặt các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trước thách thức giữ được sự cân bằng trước nỗ lực “lôi kéo” từ các cường quốc.

Cụ thể, theo ông Yongwook Ryu - nhà phân tích về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Lý Quang Diệu (Singapore), tại kỳ hội nghị này Mỹ đã cố gắng tận dụng cơ hội để làm sâu sắc thêm quan hệ và tăng ảnh hưởng với các nước ASEAN. Trong khi đó phía Trung Quốc cũng tìm cách cải thiện hơn quan hệ với các nước Đông Nam Á nhằm củng cố sự ủng hộ của khu vực với chính quyền Bắc Kinh, hoặc ít nhất đảm bảo rằng các nước này sẽ không đứng về phía Washington.

Vậy nên, điều mà ASEAN cần phải làm theo ông Yongwook Ryu là “tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của khối trong vai trò trung tâm đối ngoại và điều tiết các nỗ lực hòa bình, tiếp tục duy trì vị trí trung gian, không đứng về phía nào trước sự tranh giành ảnh hưởng từ các cường quốc”.

Tạp chí Think China (Singapore) dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng ASEAN nên duy trì đường lối ngoại giao khéo léo, không nghiêng về bên nào trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Nói cách khác, ASEAN cần giữ quan hệ hợp tác với các nền kinh tế hàng đầu thế giới, tận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển, tăng cường vị thế, tăng trọng lượng tiếng nói, giúp khối nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, từ đó có thể góp phần giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới.

Think China tin tưởng rằng với những thành tựu quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của khu vực và xây dựng mạng lưới liên minh đa dạng toàn cầu, ASEAN có thể sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò mang tính quốc tế hơn trong những năm tới.•

ASEAN và vai trò điều phối nỗ lực hòa bình

Thời gian qua, lập trường trung lập của ASEAN đã giúp khối này giữ vai trò lớn hơn trong việc điều phối các nỗ lực hòa giải hòa bình ở cấp độ quốc tế, theo trang Modern Diplomacy. Trong ASEAN, một số thành viên như Singapore và Việt Nam từng đóng vai trò trung gian tổ chức các cuộc gặp nhằm giảm leo thang căng thẳng trên trường quốc tế.

Năm 2018, nhờ tính trung lập, an ninh đảm bảo và có quan hệ ngoại giao tốt với cả Mỹ và Triều Tiên, Singapore được lựa chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un. Địa điểm được chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai (năm 2019) là thủ đô Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới