Nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, ngày 8-8-2020, theo đề xuất của Việt Nam - trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Dưới đây là toàn văn Tuyên bố chung.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat). Ảnh TG&VN
Nhân kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN, chúng tôi, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, nhắc lại các mục tiêu trong Tuyên bố ASEAN năm 1967 về thúc đẩy hợp tác khu vực trên tinh thần bình đẳng và hợp tác, đóng góp vào hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng trong khu vực.
Chúng tôi hài lòng ghi nhận các thành tựu đã đạt được của ASEAN trong 53 năm qua, đặc biệt là tiến triển trong hiện thực hoá một Cộng đồng ASEAN hoạt động dựa trên luật lệ, hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Chúng tôi tái khẳng định, cam kết mạnh mẽ bảo đảm thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và duy trì đà tiến triển trong xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2025.
Theo dõi sát sao những bất ổn gia tăng bởi các biến chuyển địa chính trị trong khu vực và thế giới, ghi nhận quan ngại rằng những bất ổn này có thể có tác động tiêu cực tới khu vực. Chúng tôi nhận thức rằng không thể đạt được tiến bộ và thịnh vượng bền vững nếu không có hoà bình và ổn định, chúng tôi, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN:
1. Nhấn mạnh cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực hoà bình, an ninh, trung lập và ổn định, và tăng cường các giá trị hướng tới hoà bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.
2. Tái khẳng định ASEAN cần duy trì đoàn kết, gắn kết và tự cường trong thúc đẩy các mục tiêu, nguyên tắc và lợi ích chung được nêu trong Hiến chương ASEAN.
3. Tái khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của việc bảo đảm các mục tiêu và nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như trong Tuyên bố về Khu vực Hoà bình, Tự do và Trung lập và Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi.
4. Kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, và giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
5. Kêu gọi tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua tiếp tục đối thoại, hợp tác cùng có lợi và các biện pháp xây dựng lòng tin thiết thực nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.
6. Cam kết tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và khuyến khích các đối tác của ASEAN tham gia đóng góp xây dựng thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Góp phần vào củng cố lòng tin và tin cậy lẫn nhau, cũng như xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật lệ.
7. Tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Khuyến khích các đối tác hợp tác cùng ASEAN để thúc đẩy Tài liệu AOIP và tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên nêu trong tài liệu nhằm thúc đẩy lòng tin, tôn trọng và lợi ích chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
8. Tái khẳng định cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời đề cao cách tiếp cận đa phương trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên và tích cực tham gia định hình một cấu trúc đa phương hiệu quả hơn dựa trên luật lệ, có khả năng giải quyết được các vấn đề cấp bách của khu vực và toàn cầu.