ASEAN rút lại tuyên bố quan ngại về biển Đông

Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí lên tiếng “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng gia tăng ở biển Đông nhưng màn thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi của khối trước Bắc Kinh dường như đã sụp đổ chỉ vài giờ sau đó khi bản tuyên bố được rút lại, theo báo Wall Street Journal (Mỹ).

Tuyên bố quan ngại được rút lại

Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngày 14-6 tại một cuộc họp với Bộ trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Vân Nam, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp biển Đông.

Tuyên bố của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cho thấy thái độ mạnh mẽ hiếm hoi của 10 nước thành viên trước các động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở biển Đông. Trong những tuần gần đây, Mỹ và nhiều nước đã chỉ trích Trung Quốc vì những động thái coi thường luật hàng hải quốc tế.

Tuy nhiên, vài giờ sau khi tuyên bố được đưa ra, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết ASEAN đã rút lại tuyên bố để tiến hành một số thay đổi. Không có lời giải thích nào được đưa ra cho quyết định này và đến cuối ngày 14-6, khối vẫn chưa đưa ra tuyên bố đã sửa đổi.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại cuộc họp ngày 14-6. Ảnh: AFP

Một nhà ngoại giao cấp cao thuộc nước thành viên ASEAN sau đó nói rằng ASEAN đã quyết định không đưa ra tuyên bố chung và các nước thành viên sẽ đưa ra tuyên bố riêng nếu muốn. Trước khi rút lại tuyên bố, các ngoại trưởng Singapore và Indonesia đã đưa ra tuyên bố riêng, trong đó lặp lại những điểm chính trong tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN.

Theo Wall Street Journal, một số thành viên ASEAN ủng hộ phản ứng cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh trong khi một số thành viên khác lại không muốn có các hành động đối kháng đối với đối tác kinh tế lớn này. Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử khối, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không đưa ra thông cáo chung tại hội nghị ở Campuchia.

Nội dung chính của tuyên bố chung

Trong tuyên bố ban đầu, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ “quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra, làm xói mòn lòng tin, gây gia tăng căng thẳng và có khả năng phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông”.

Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không công khai đổ lỗi Trung Quốc vì việc gây gia tăng căng thẳng hay đề cập trực tiếp đến tòa trọng tài tại The Hague (Hà Lan), nơi dự kiến sẽ ra phán quyết liên quan tới vụ kiện của Philippines chống lại “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền ở biển Đông.

Thay vào đó, ASEAN đã nhắc lại lập trường phản đối các nỗ lực “quân sự hóa” và cải tạo đất ở biển Đông. Các ngoại trưởng ASEAN cũng “ngầm” ám chỉ Trung Quốc khi kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã không đề cập trực tiếp đến vụ kiện của Philippines nhưng nói rằng Trung Quốc và Philippines đã giải thích lập trường của hai bên về tranh chấp ở biển Đông trong cuộc họp hôm 14-6.

“Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Philippines thì tất cả đều biết nhưng đây không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN” - ông Vương Nghị nói. “Sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN quan trọng hơn bất kỳ tranh chấp cụ thể nào, bao gồm tranh chấp ở biển Đông”.

Trung Quốc đã bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan đối với vụ kiện của Philippines. Nhằm củng cố lập trường của mình, Bắc Kinh ráo riết vận động hành lang các nước ủng hộ, theo Wall Street Journal.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới