Từ ngày 8 đến 10-3 tại thủ đô Jakarta (Indonesia), các quan chức cấp cao của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc (TQ) sẽ bắt đầu đợt đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Cùng mong muốn đẩy nhanh đàm phán COC
Trước thềm đợt đàm phán mới, nhiều lãnh đạo, quan chức các nước ASEAN và TQ đã thể hiện ý chí sớm hoàn tất đàm phán COC. Cụ thể, trong chuyến thăm Indonesia vào cuối tháng 2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương và Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã thống nhất rằng các cuộc đàm phán về COC sẽ được đẩy mạnh trong năm nay.
Thời gian đàm phán COC (hơn 20 năm) lâu hơn đáng kể so với tiến trình đàm phán UNCLOS, vốn chỉ mất chín năm để đạt được sự đồng thuận của 100 quốc gia. Dù tiến trình đàm phán COC kéo dài nhưng theo các chuyên gia, ASEAN và TQ nên tiếp tục thúc đẩy nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông.
“Cả TQ và Indonesia sẽ làm việc với các nước ASEAN khác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm đẩy nhanh quá trình tham vấn về COC để cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông” - kênh Channel News Asia dẫn lời ông Tần Cương hồi tháng 2.
Đáp lại, Ngoại trưởng Retno khẳng định: “Indonesia và ASEAN muốn tạo ra một COC hiệu quả, thực chất và có thể thực hiện được”. Theo bà, các nước ASEAN mong muốn một Biển Đông hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế đặc biệt Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Về phía Việt Nam, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOM) và cuộc họp lần thứ 15 nhóm công tác Hội đồng Điều phối ASEAN (ACCWG) tại Jakarta vào ngày 6-3, Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với việc thúc đẩy đàm phán xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. Đại sứ Vũ Hồ cũng cho rằng các nước cần xây dựng cách tiếp cận mới, phù hợp với tình hình hiện tại trong quá trình xây dựng COC, theo TTXVN.
Trong Hội nghị cấp cao ASEAN - TQ tại Campuchia hồi tháng 11-2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Cũng hoan nghênh tiến trình đàm phán COC trong năm 2022 và hy vọng COC sẽ sớm được thông qua, theo báo The Philippine Star. Theo ông, “đó sẽ là một ví dụ về cách các quốc gia quản lý sự khác biệt thông qua lý trí và lẽ phải”.
Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Campuchia vào tháng 11-2022. Ảnh: Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia |
Khó khăn nhưng không từ bỏ
Tiến trình đàm phán COC đã có bước tiến khi ASEAN và TQ thông qua được “văn bản dự thảo đàm phán duy nhất” (Single Draft Negotiating Text) nhưng hiện dự thảo vẫn bị “mắc kẹt” vì một số điểm nghẽn.
TS S.D. Pradhan, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia và cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo hỗn hợp của chính phủ Ấn Độ, đã chỉ ra một số khúc mắc. Thứ nhất là tính pháp lý. Trong khi các nước ASEAN mong muốn COC có tính ràng buộc pháp lý thì TQ lại phản đối. Thứ hai là phạm vi địa lý áp dụng. Việt Nam luôn mong muốn COC áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa nhưng TQ không đồng tình và còn khẳng định yêu sách phi lý ở khu vực này.
Thứ ba, trong khi ASEAN khẳng định UNCLOS là nền tảng cho COC và điều chỉnh mọi hành vi trên biển thì đối với TQ, UNCLOS không điều chỉnh triệt để mọi vấn đề trên biển, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền lịch sử. Vì thế TQ đã phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 trong vụ kiện với Philippines. Thứ tư, các bên chưa thống nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp.
Về triển vọng đàm phán, phần đông các nhà quan sát nhận định khó có khả năng COC sẽ được thông qua trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia đều ủng hộ các bên nỗ lực theo đuổi đàm phán.
Theo ông Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên Luật Quốc tế tại Trường ĐH Indonesia, ASEAN không nên từ bỏ đàm phán COC bởi vì đó có thể là “cách duy nhất để đảm bảo sự tuân thủ của TQ” đối với một trật tự dựa trên luật lệ.
Cùng quan điểm, TS Collin Koh của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) cho rằng mặc dù quá trình đàm phán COC có thể không như mong đợi nhưng vẫn cần phải duy trì như một cơ chế xây dựng lòng tin, ngăn ngừa căng thẳng bùng phát.•
Chặng đường dài đàm phán COC
Năm 1996, ASEAN đưa ra ý tưởng phải có được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nước có yêu sách.
Đến tháng 3-2002, hai bên bắt đầu đàm phán về dự thảo COC nhưng không đạt được đồng thuận. Đến tháng 11-2002, tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia, các nước ASEAN và TQ đã ký Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông (DOC), thay vì COC.
DOC được xem là một thỏa hiệp tạm thời, bước đầu tạo ra môi trường chính trị có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Đến năm 2013, hai bên mới bắt đầu thảo luận về COC. Năm 2017, ASEAN và TQ thông qua dự thảo khung COC. Năm 2018, hai bên ra được văn bản dự thảo đàm phán duy nhất. Đến năm 2019, các bên đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên nhằm hợp nhất văn bản dự thảo đàm phán duy nhất và bổ sung các đề xuất mới.
Đến năm 2020 thì không có cuộc họp nào về COC do dịch COVID-19. Tính tới tháng 11-2021, ASEAN và TQ đã hoàn thành vòng rà soát thứ nhất và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai đối với văn bản dự thảo đàm phán duy nhất.