Ba bước quan trọng phải thực hiện khi tài xế bất tỉnh

Vừa qua, vụ việc tài xế bất tỉnh trong khi lái xe tại Long An khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, không biết khi gặp tình huống như vậy thì sẽ giải quyết như thế nào.

Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng chia sẻ: “Trên thực tế rất hiếm gặp trường hợp như vậy. Thông thường tài xế sẽ được kiểm tra sức khỏe định kỳ, vì lái xe cần đảm bảo sức khỏe tốt và kỹ năng chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho biết cách xử lý khi gặp tình huống tài xế bị bất tỉnh.

Vị trí phanh tay trên một số dòng ô tô. Ảnh: Internet

Thứ nhất, đối với người đi cùng dù biết lái xe hay không cũng phải luôn giữ bình tĩnh để tìm cách giải quyết ngay lúc đó.

Tiếp theo, người đi cùng phải biết vị trí của bộ phận phanh tay và kéo giữ lại. Hệ thống phanh trên ô tô bao gồm phanh chân và phanh tay đều có tác dụng hãm tốc độ hay giúp xe đứng yên. Vì nhiều người không thể tác động tới bộ phận phanh chân hoặc có thể không biết vị trí phanh chân.

Sau đó, cần phải gạt chân phải của tài xế ra khỏi vị trí, để đảm bảo chân của tài xế không dẫm vào bộ phận chân ga. Lưu ý, người đi cùng tuyệt đối không được điều khiển vô lăng xe, vì khi không ngồi đúng vị trí lái sẽ càng gây nguy hiểm hơn.

Mặc dù vậy, chuyên gia cũng cho biết rất khó xử lý khi người đi cùng không biết nhiều về ô tô. Vì vậy, mọi người thường xuyên di chuyển bằng ô tô có thể trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để xử lý tình huống khi cần.

Vị trí và các loại phanh tay để người dùng có thể tham khảo như sau: Phanh tay ô tô gồm có 2 kiểu, phanh tay điện tử và phanh tay cơ có tác dụng giúp xe giảm tốc độ, đứng yên đỗ xe. Phanh tay phổ biến là dạng tay nắm, nó thường đặt ở vị trí ghế lái và phụ. Có một số dòng xe lại thiết kế phanh tay nằm ở phía bên trái ghế lái. Ngoài ra, phanh tay còn có 2 loại nữa: bàn đạp và nút bấm đối với dòng xe tự động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm