Tạp chí Fortune đã phân tích các bài phát biểu thừa nhận thua cuộc của các ứng viên trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 1952, khi ứng viên Dân chủ Adlai Stevenson thừa nhận thua cuộc trước đối thủ Cộng hòa Dwight D. Eisenhower.
Bài phát biểu của ông Stevenson là bài phát biểu nhận thua đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên truyền hình và được xem là kiểu mẫu cho các bài phát biểu thua cuộc trong lịch sử hiện đại. Trong toàn bộ các bài phát biểu thừa nhận thua cuộc của các nam ứng viên tổng thống trước này chưa ai đề cập đến hai từ “xin lỗi’.
Bà Hillary Clinton là nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của Mỹ và bà cũng là người đầu tiên nói từ “xin lỗi” trong bài phát biểu nhận thua trước ông Donald Trump. “Tôi xin lỗi vì chúng ta đã không thắng cuộc bầu cử này… Tôi biết các bạn thất vọng chừng nào, vì tôi cũng thất vọng”, bà Clinton nói trong bài phát biểu nhận thua ngày 9-11.
Bà Clinton là ứng viên tổng thống đầu tiên của Mỹ nói lời xin lỗi khi thua cuộc. Ảnh: GETTY IMAGES
Lời xin lỗi của bà Clinton có lẽ là một thông điệp thích hợp gửi đến những người ủng hộ bà đang sốc và đau buồn vì thất bại của bà và đảng Dân chủ. Tuy nhiên, theo Fortune, mặt khác từ cụm từ “xin lỗi” của bà Clinton có thể nhìn ra gánh nặng thành kiến giới tính mà phụ nữ phải chịu. Phụ nữ thường hay có khuynh hướng nhận lỗi, thậm chí trong trường hợp họ chẳng làm điều gì sai.
Một số nhà phân tích nhận định phụ nữ - đặc biệt những người nắm giữ quyền lực - cũng thường viện đến từ “xin lỗi” như một cách để khiến cái nhìn về họ mềm mại hơn, ít đe dọa hơn. Vì đối với phụ nữ, một tính cách cứng rắn lại không có lợi nhiều cho sự nghiệp như đối với nam giới. Còn nhớ trong quá trình tranh cử, nhiều nhà bình luận đề nghị bà Clinton vui tươi hơn, cười nhiều hơn, thậm chí thay đổi sắc thái giọng nói nhằm tạo hình ảnh nữ tính, mềm mại hơn.
Tuy nhiên, một bộ phận phụ nữ đã nhận ra gánh nặng thành kiến giới tính trong lời xin lỗi. Nhằm giúp phụ nữ có thể khắc phục khuynh hướng này mà các nữ lãnh đạo trong nhiều doanh nghiệp đã ban hành một quy định có tên là “bình xin lỗi” - mỗi lần một nữ nhân viên nói lời xin lỗi đồng nghiệp thì sẽ phải nộp 1 USD vào cái bình này.
Bà Clinton và chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton trong buổi phát biểu nhận thua ngày 9-11. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong khi đó các nhà nghiên cứu cho rằng so với phụ nữ thì nam giới miễn cưỡng hơn rất nhiều trong việc nhận sai, đặc biệt với các lỗi lầm nho nhỏ.
Ông Trump hết lần này đến lần khác né tránh, từ chối xin lỗi cho những phát ngôn gây sóng gió của mình, dù đã có rất nhiều yêu cầu ông xin lỗi. Lần duy nhất ông Trump công khai xin lỗi trong suốt quá trình tranh cử là vào tháng 10, sau khi một video năm 2005 rò rỉ cho thấy ông này phát ngôn khiếm nhã về tấn công tình dục phụ nữ.
Tình huống ứng viên Dân chủ Al Gore thua Tổng thống Cộng hòa George W. Bush trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 cũng tương tự tình huống bà Clinton thua ông Trump, thua số phiếu đại cử tri dù thắng ở số phiếu phổ thông. Tuy nhiên, vì chênh lệch số phiếu đại cử tri quá sát, quyết định thắng thua giữa hai ông đã được chuyển đến Tòa án Tối cao. Và ông Gore chỉ chính thức thừa nhận thua ông Bush hơn một tháng sau ngày bầu cử.
Ông Gore cũng không xin lỗi trong bài phát biểu nhận thua, mà chỉ nói “Tôi biết rất nhiều người ủng hộ tôi thất vọng. Tôi cũng thất vọng.”
Ngoài điểm đặc biệt - lời xin lỗi - bà Clinton còn phá vỡ truyền thống màu sắc trang phục của các nam ứng viên tổng thống trước kia khi tuyên bố thua cuộc: mặc màu tím và đen chứ không phải màu đỏ, trắng và xanh dương trước đó.