Ba con đường cho Iran sau những tổn thất của ‘Trục kháng chiến’

(PLO)- “Trục kháng chiến” của Iran ở Trung Đông đang cho thấy sự suy yếu đáng kể sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, tổn thất của Hezbollah,... Liệu Tehran có thể làm gì để đảm bảo vị thế trong bối cảnh này?

Sau một thập niên vươn lên mạnh mẽ tại Trung Đông, giới lãnh đạo Iran giờ đây đang phải đối mặt với thời điểm đầy thách thức. Với sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Iran đã mất đi đồng minh nhà nước duy nhất trong khu vực.

Diễn biến này xảy ra đúng vào thời điểm các đợt tấn công mùa thu của Israel đã làm suy yếu đáng kể nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon), vốn từng là đồng minh vũ trang đáng tin cậy nhất của Iran.

Bên cạnh đó, Hamas cũng chịu những tổn thất nặng nề sau cuộc chiến kéo dài hơn 14 tháng với Israel ở Dải Gaza, còn nhóm vũ trang Houthis (Yemen) thì liên tục hứng chịu các đòn không kích từ Mỹ và Israel.

Theo giới quan sát, giờ đây, Iran đang trong thế yếu và cần phải tái định hướng chiến lược.

Syria và Hezbollah từ lâu là trụ cột của cái gọi là “Trục kháng chiến” của Iran. Liên minh với ông al-Assad đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hành lang trên bộ để cung cấp tài chính và quân sự cho Hezbollah.

Kể từ những năm 1980, Iran đã chi hàng tỉ USD để hỗ trợ các nhóm chiến binh ở nước ngoài nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ Israel và Mỹ vào bên trong Iran theo chiến lược phòng thủ từ xa. Mặc dù từng có lúc Iran dường như chiếm ưu thế, nhưng cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 đã khởi đầu một chuỗi phản ứng làm suy yếu “Trục kháng chiến” của Iran.

Tuy nhiên, Iran vẫn là một cường quốc khu vực với nhiều lựa chọn. Tờ Financial Times chỉ ra ba con đường mà Tehran có thể chọn sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ cũng như sau những tổn thất gần đây của phe “Trục kháng chiến”.

Chân dung của Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei (trái) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại thủ đô Damascus (Syria) hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Kiên trì với “Trục kháng chiến”

Trong bài phát biểu đầu tiên sau sự sụp đổ của chính quyền ông al-Assad, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei đã đưa ra một tầm nhìn thách thức, khẳng định rằng “kháng chiến không phải là một thiết chế có thể bị phá vỡ hay hủy diệt” mà là một “học thuyết” sẽ trở nên mạnh mẽ hơn dưới áp lực.

Tehran có thể quyết định kiên trì và tập trung xây dựng lại Trục kháng chiến với tầm nhìn dài hạn. Điều này có thể bao gồm việc gây áp lực để các nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite ở Iraq và Houthis (Yemen) đứng đầu trong cuộc chiến chống lại Israel, hoặc làm cản trở quá trình tái thiết ở Syria và Lebanon hậu xung đột. Nhưng cách tiếp cận này có thể dẫn đến hậu quả đẫm máu cho các đồng minh còn lại của Iran và Israel có thể sử dụng điều này để biện minh cho các cuộc tấn công trực tiếp vào bên trong lãnh thổ Iran.

Từ bỏ “Trục kháng chiến”

Con đường thứ hai là các nhà lãnh đạo Iran có thể cho rằng “Trục kháng chiến” không còn khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công và không còn phù hợp. Việc từ bỏ ông al-Assad có thể là dấu hiệu cho thấy Iran đã nhận thức được điều này.

Việc giải cứu chính quyền ông al-Assad thêm một lần nữa sẽ tốn kém cả về quân sự lẫn chính trị, đặc biệt khi chính phủ Iraq, một láng giềng quan trọng, đã mạnh mẽ phản đối việc huy động các nhóm vũ trang Shiite do Iran hậu thuẫn ở Iraq.

Nếu Iran từ bỏ “Trục Kháng chiến” và tập trung vào năng lực quân sự trong nước, thế giới sẽ phải chuẩn bị cho cả cơ hội lẫn rủi ro. Là một phần của chiến lược răn đe mới, Iran có thể cân nhắc bước đi tốn kém để chuyển từ trạng thái cận hạt nhân sang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nếu chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bật đèn xanh cho các cuộc tấn công vào chương trình hạt nhân Iran hoặc gia tăng áp lực tối đa mà không có lối thoát ngoại giao thực tế, thì những tiếng nói ủng hộ vũ khí hóa chương trình hạt nhân trong nội bộ Iran sẽ gia tăng.

Đàm phán để giảm leo thang

Tuy nhiên, trong thời điểm bất ổn này, các nhà lãnh đạo Tehran cũng có thể chọn con đường thứ ba là giảm leo thang, bao gồm thông qua ngoại giao với các vương quốc vùng Vịnh và chính quyền sắp tới của ông Trump.

Iran có thể cam kết không phá hoại cơ chế quản lý mới tại Lebanon dù sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của Hezbollah tại Lebanon có thể bị giảm đáng kể. Ngoài ra, Tehran có thể tập trung cải thiện quan hệ với Saudi Arabia và giảm căng thẳng trong khu vực.

Người đàn ông Lebanon vẫy cờ ăn mừng lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah ngày 27-11. Ảnh: REUTERS

Khó khăn hiện tại cũng có thể mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán trực tiếp với chính quyền sắp tới của ông Trump nhằm giới hạn chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Đây cũng là điều người dân Iran kỳ vọng, khi họ yêu cầu các lợi ích kinh tế và chính trị thiết thực sau nhiều năm đất nước chi tiêu lớn vào các hoạt động ở nước ngoài.

Trong bối cảnh này, sự cân nhắc giữa các bên liên quan sẽ rất quan trọng để tránh đẩy khu vực vào một chu kỳ xung đột mới và nguy hiểm hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới