Bà cựu giám đốc sở bỏ trốn và quy định cấm xuất cảnh

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bà Đào Thị Hương Lan (cựu giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, trú quận 2, TP.HCM). Bà Lan bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015 và đã bỏ trốn. Bà Lan liên quan đến vụ ông Nguyễn Hữu Tín và bốn nguyên cán bộ sai phạm khi giao đất vàng 15 Thi Sách cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Có thông tin cho rằng bà Hương Lan đã bỏ trốn ra nước ngoài, tuy nhiên phía công an chưa xác nhận điều này.

Luật không buộc phải cấm xuất cảnh

Trước đó, cuối năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với Vũ “nhôm” về tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước. Vũ bỏ trốn và công an cũng phải phát lệnh truy nã. Đầu năm 2018, lực lượng chức năng của Việt Nam đã đưa được Vũ từ Singapore về để tiếp tục điều tra.

Từ những vụ việc trên, nhiều người thắc mắc vì sao có tình trạng các bị can sau khi đã khởi tố vẫn có thể bỏ trốn ra nước ngoài dễ dàng, trong khi các lĩnh vực phi hình sự thì việc cấm xuất cảnh được làm rất chặt.

Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, khoản 1 Điều 21 Nghị định 136/2007 của Chính phủ quy định công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh nếu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm. Cụm từ “có liên quan đến công tác điều tra tội phạm” được hiểu là những người làm chứng, giám định viên… khi cần thiết phải triệu tập làm rõ quá trình điều tra thì CQĐT sẽ yêu cầu tạm hoãn xuất cảnh mà không cần phải có VKS phê chuẩn.

Theo BLTTHS năm 2015 thì thấy điểm bất cập giữa biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh là nếu người bị cấm đi khỏi nơi cư trú thì vẫn có thể xuất cảnh. Bởi quyết định của cơ quan có thẩm quyền không đề cập đến việc gửi quyết định đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Ngược lại, người bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh thì vẫn có thể đi khỏi nơi cư trú, dẫn đến khó khăn trong việc điều tra, lấy lời khai. Vì thế, theo LS Trạch, cần phải quy định khi đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là đồng nghĩa với việc tạm hoãn xuất cảnh.

Cũng theo LS Trạch, thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh thuộc thủ trưởng và phó thủ trưởng CQĐT. Vì vậy luật cũng cần quy định trách nhiệm của hai chủ thể này nếu cố tình không áp dụng hoặc sơ suất dẫn đến bị can bỏ trốn khỏi nơi cư trú, xuất cảnh. Ngoài ra cũng cần quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh để áp dụng chung…

Bà Đào Thị Hương Lan - người đã bỏ trốn (trái) và Vũ “nhôm” - người từng trốn ra nước ngoài. Ảnh: BCA - HOÀNG GIANG

Khó bởi từ “có thể” trong luật

Theo LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM), trong hình sự khi xử lý tin báo, tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố thì để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội... thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh (Điều 109 BLTTHS 2015).

Cụ thể, có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ…

Theo LS Nghĩa, với trường hợp của bà Đào Thị Hương Lan thì đã bị khởi tố nên CQĐT xem xét tùy tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại Điều 109 BLHS 2015 như tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh... Vậy giả sử bà Lan xuất cảnh bỏ trốn thì sao? Điều 109 BLTTHS 2015 không quy định cụ thể các tiêu chí đối với một loại tội phạm hoặc bị can, bị cáo mà quy định tùy nghi là “có thể” nhưng lại ràng buộc “khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn”. Tức là CQĐT phải biết hay nhận được thông báo là họ sẽ xuất cảnh, sau đó mới đánh giá việc xuất cảnh này có dấu hiệu bỏ trốn hay không mới có quyết định cho phép hay không. Tuy nhiên, thực tế thì không ai đi nước ngoài mà có thông báo CQĐT cả, vì thế mới có tình trạng “lọt sổ” như hiện nay.

LS Nghĩa đánh giá: “Đây là quy định gây khó cho CQĐT nếu ban hành lệnh khi chưa có căn cứ đang xuất cảnh và không có dấu hiệu bỏ trốn thì có thể bị khiếu nại. Còn nếu không ra lệnh mà trông chờ bị can tự khai báo xuất cảnh dẫn đến bị can bỏ trốn thì CQĐT phải chịu trách nhiệm về nghiệp vụ”.

Vì vậy, theo LS Nghĩa, cần phải có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn. Cạnh đó, ngoài thực hiện các biện pháp như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền để đảm bảo thì cần áp dụng lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với họ (trừ trường hợp đặc biệt cần xuất cảnh để chữa bệnh hiểm nghèo mà Việt Nam chưa đủ trình độ).

Các lĩnh vực phi hình sự đều quy định

Quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án có thể thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn. Trong các biện pháp này có tạm hoãn hoặc cấm xuất cảnh được quy định tại các điều 109, 124 BLTTHS 2015; các điều 114, 128 BLTTDS 2015 và Điều 21 Nghị định 136/2007 của Chính phủ về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo đó, một trong những trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh là đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế

LS NGUYỄN HOÀI NGHĨA, Đoàn LS TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm