Bà Nguyền cùng chồng là ông Bùi Văn Dưng (đã mất) sống với nhau được 40 năm và có mấy người con. Gia đình bà Nguyền chuyển từ An Giang lên Vũng Tàu sinh sống từ năm 2006. Hai ông bà ở chung còn các con vì cảnh nghèo nên mỗi người một nơi mưu sinh. Bà Nguyền nhặt ve chai, bán vé số, còn ông Dưng đi làm mướn kiếm tiền. Tuy nhiên, ông thường xuyên say xỉn rồi đánh đập bà. Có lần bà bị ông đánh bầm mắt. Sau đó, con cái biết chuyện muốn đưa bà đi ở chỗ khác nhưng ông không chịu.
Cách ngày xảy ra án mạng một tuần, ngày nào ông cũng kiếm cớ đánh bà, đuổi đi khỏi nhà, không cho ăn uống. Những uất ức dồn nén lâu ngày lên tới đỉnh điểm khi chiều 10-9-2014, bà vừa nhặt ve chai về thì bị ông giành mang đi bán. Bà giằng lại thì ông nắm tóc đánh bà. Không kiềm chế được, bà rút con dao nhỏ vẫn hay để trong túi ra đâm ba nhát khiến ông tử vong sau đó…
Bà Nguyễn Thị Nguyền sau khi tòa tuyên án. Ảnh: TK
Tại phiên tòa, trông bà gầy đi so với ngày chúng tôi gặp ở cơ quan điều tra, vào chiều 10-9-2014 tại phòng tạm giữ, ngay sau khi bà gây án. Dáng bà lam lũ, ôm khư khư cái túi cũ, rách. Anh điều tra viên nói: “Nhà báo xem có bộ quần áo cũ nào không giúp cho bà ấy với. Chồng đánh bà ấy, giựt bứt gần hết hàng cúc áo bà ấy rồi. Con cái đều nghèo và đang bận đưa bố về quê an táng. Bà ấy bị điếc, lúc nghe được, lúc không”.
Lúc đi theo anh điều tra viên ra xe để đến trại, bà xin mang theo túi đồ, liên tục hỏi đi đâu. Tôi nhìn trong túi bà thấy nào vỏ chai nhựa, bịch nylon, chai nước tương còn được một ít, vài cái bánh quy rồi sổ dò vé số, thuốc uống. Bà liên tục hỏi về chồng xem ông ấy ra sao. Bà bảo: “Tôi khổ lắm cô ơi. Ông đánh tôi suốt bao nhiêu năm trời”. Đến khi tôi hỏi lại, bà không nghe được, nói tôi viết ra giấy. Chỉ kịp hỏi vài câu rồi bà lên trại.
Tối đó, tôi chia sẻ câu chuyện của bà trên Facebook. Bạn bè vào đọc, ai nấy đều thương bà Nguyền. Mọi người quyên góp quần áo, chút tiền, thuốc để giúp bà. Tôi gọi điện thoại cho anh điều tra viên, anh nói sẽ liên hệ để chúng tôi được gửi đồ vào. Thông qua giám thị, chúng tôi gửi đồ và dùng số tiền quyên góp để mua trực tiếp các đồ dùng có trong trại cho bà như chiếu, quạt, dép, xà bông, xô chậu…
Công việc cuốn chúng tôi đi với tin tức, bài vở. Sau này, anh điều tra viên phụ trách điều tra vụ án của bà nói: “Bà Nguyền hỏi thăm và cảm ơn nhà báo đã gửi đồ”. Sau đó tôi nghe tin bà được chuyển đổi tội danh từ giết người sang tội giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh (tội nhẹ hơn). Tất cả người thân, bà con trong khu phố nơi bà tạm trú đồng loạt làm đơn kể về chuỗi ngày bà bị chồng bạo hành và xin giảm nhẹ hình phạt cho bà. Mọi người chờ đợi ngày mở phiên tòa để tham dự, gặp lại người phụ nữ nghèo khổ cả đời sống trong tủi hờn rồi vướng vòng lao lý ấy.
Bà nặng tai nghe không rõ, gần như không hiểu gì về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình tại tòa. HĐXX cho phép bà được ngồi, con trai bà đứng bên để phiên dịch. Tòa hỏi vì sao lại cầm dao đâm ông, bà trả lời vì tức giận quá nên đâm chứ cũng không biết làm gì nữa. Bà bảo: “Tôi đang buồn, đang nhớ ổng, ổng chết rồi tôi biết làm sao…”.
Vị chủ tọa giải thích để bà hiểu, rằng không thể cứ nóng giận là dùng dao tước đoạt tính mạng người khác. Xét tất cả yếu tố, cả các tình tiết giảm nhẹ, tòa tuyên phạt bà 18 tháng tù. Gia đình, con cái, hàng xóm tiễn bà lên xe về trại giam trong nước mắt.