Nhận đề cử đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang nỗ lực nắm lấy cơ hội tạo nên lịch sử trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên và là người da màu thứ hai làm tổng thống Mỹ.
Nhân vật của những điều đầu tiên
Phó Tổng thống Harris sinh năm 1964 tại bang California, cha là một giáo sư kinh tế gốc Jamaica và mẹ là một người gốc Ấn Độ và là một nhà nghiên cứu về bệnh ung thư. Mẹ bà di cư từ Ấn Độ đến Mỹ vào năm 1960, theo đài CBS News.
Bà Harris tốt nghiệp cử nhân tại ĐH Howard năm 1986 và nhận bằng luật tại trường Luật Hastings thuộc ĐH California vào năm 1989. Bà Harris bắt đầu sự nghiệp thực thi pháp luật với vai trò công tố viên tại văn phòng công tố quận Alameda và được bầu làm chưởng lý quận San Francisco (bang California) năm 2003, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.
Năm 2010, bà Harris đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa Steve Cooley và trở thành tổng chưởng lý bang California. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên và là người da màu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này.
Con đường chính trị của bà Harris bắt đầu vào năm 2016 khi bà tham gia cuộc đua vào Thượng viện Mỹ và trở thành thượng nghị sĩ bang California. Bà Harris nhanh chóng nổi tiếng là một ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ.
Sau chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công vào năm 2020, bà Harris được ứng viên tổng thống Joe Biden lúc bấy giờ chọn làm phó tướng, đưa bà trở thành phụ nữ da màu đầu tiên được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống cho một đảng lớn.
Bà Harris tiếp tục làm nên lịch sử khi được bầu làm phó tổng thống, trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức vụ này. Theo Nhà Trắng, với vai trò là chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Harris đã lập kỷ lục mới của một phó tổng thống về số lần bỏ phiếu để phá vỡ thế bế tắc nhiều nhất tại Thượng viện.
Tháng 7 vừa qua, sự nghiệp chính trị của bà Harris bước sang một bước ngoặt mới sau khi bà tuyên bố đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ, "tiếp ngọn đuốc” từ Tổng thống Biden - người đã rút khỏi cuộc đua sau màn tranh luận đáng thất vọng với đại diện từ đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump.
Đêm 22-8, trong ngày cuối của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Harris phát biểu chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ trở thành ứng viên đại diện đảng cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Việc chấp nhận đề cử đưa bà Harris đã trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên nhận được đề cử của một đảng lớn.
Theo đài CNN, không có ứng viên tổng thống nào trong lịch sử hiện đại của Mỹ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong thời gian gấp rút như vậy. Dù vậy, đội ngũ tranh cử của Phó Tổng thống Harris đã nhanh chóng củng cố được sự đoàn kết trong đảng Dân chủ và thu về hơn nửa triệu USD tiền quyên góp tranh cử chỉ trong một tháng.
Nếu bà Harris giành chiến thắng, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1988, một chính quyền của một đảng chuyển giao cho một chính quyền khác trong cùng đảng, theo kênh Channel News Asia.
Để giành chiến thắng vào tháng 11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ phải thách thức lịch sử, bởi chỉ có một lần trong 188 năm qua một phó tổng thống đương nhiệm được bầu làm tổng thống Mỹ. Phó tổng thống đương nhiệm duy nhất được bầu làm tổng thống thời kỳ hiện đại là Tổng thống George H.W. Bush vào năm 1988 và ông là người đầu tiên làm được điều đó kể từ khi Phó tổng thống Martin Van Buren được bầu làm tổng thống vào năm 1836, theo tờ The Washington Post.
Cương lĩnh hành động của bà Harris
Phó Tổng thống Harris nhiều lần nhấn mạnh rằng bà là đại diện cho tương lai của nước Mỹ còn cựu Tổng thống Trump sẽ đưa đất nước quay trở lại đường lối chính sách nguy hiểm nếu ông được bầu vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.
Bà Harris cũng khẳng định tầm nhìn nước Mỹ của bà khác với của ông Trump, đồng thời cáo buộc cựu tổng thống chỉ đang chiến đấu “vì bản thân và những người bạn tỉ phú của ông ấy”.
Theo đài CNN, trong các đề xuất chính sách, các bài phát biểu và các cuộc vận động tranh cử, Phó Tổng thống Harris khẳng định sẽ tiếp tục nhiều chính sách của Tổng thống Biden như cung cấp tín dụng thuế cho các gia đình trung lưu và thu nhập thấp, giảm chi phí thuốc men,... Phó Tổng thống Harris mô tả tầm nhìn mà bà gọi là “một nền kinh tế cơ hội” tập trung vào việc củng cố tầng lớp trung lưu và loại bỏ những yếu tố làm tăng chi phí một cách không công bằng.
Bà Harris khẳng định, với tư cách tổng thống, bà sẽ tập hợp các lực lượng lao động, gồm người lao động, chủ doanh nghiệp nhỏ, doanh nhân và các công ty Mỹ, để tạo ra việc làm, phát triển nền kinh tế và giảm chi phí cho các nhu cầu hàng ngày như chăm sóc sức khỏe, nhà ở.
Về chính sách đối ngoại, Phó Tổng thống Harris cam kết sát cánh cùng với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến của nước này với Nga. Nữ phó tổng thống đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky 6 lần kể từ khi cuộc chiến nổ ra.
“Tôi đã nói rõ rằng Tổng thống Joe Biden và tôi ủng hộ Ukraine. Với sự hợp tác của đa số lưỡng đảng ở cả hai viện của quốc hội Mỹ, chúng tôi sẽ nỗ lực bảo đảm vũ khí và nguồn lực quan trọng mà Ukraine rất cần” - bà Harris phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) đầu năm nay.
Về cuộc xung đột Israel-Hamas, sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào cuối tháng 7, bà Harris nhắc lại các tuyên bố của ông Biden về "sự ủng hộ tuyệt đối" và "cam kết không lay chuyển" đối với Israel, cũng như nhấn mạnh việc đưa các con tin Israel trở về.
Tuy nhiên, sự đồng cảm mà bà Harris bày tỏ liên quan đến hoàn cảnh và nỗi đau khổ của người Palestine ở Gaza mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì ông Biden thể hiện. Theo đó, bà Harris bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" về thương vong thường dân ở Gaza, tình hình nhân đạo và sự tàn phá mà bà gọi là "thảm khốc".
“Những gì đã xảy ra ở Gaza trong 10 tháng qua thật tàn khốc. Biết bao sinh mạng vô tội đã bị mất đi. Những người tuyệt vọng, đói khát phải chạy trốn để tìm kiếm sự an toàn hết lần này đến lần khác. Thật sự rất đau lòng. Tổng thống Biden và tôi đang nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này, để Israel được an toàn, các con tin được thả, nỗi đau khổ ở Gaza chấm dứt và người dân Palestine có được an ninh, tự do và quyền tự quyết của họ” - Phó Tổng thống Harris phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ.
Về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giới quan sát nhận định mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và châu Âu có thể sẽ tiếp tục dưới thời bà Harris, đặc biệt là khi nói đến các lĩnh vực như thương mại, trí tuệ nhân tạo, khí hậu,... Ngoài ra, bà Harris dự kiến sẽ tiếp tục nhất quán với chính sách của ông Biden về Trung Quốc, trong đó tập trung vào việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á, theo kênh Al Jazeera.
Bà Harris-ông Trump so kè trong các cuộc thăm dò
Theo kết quả thăm dò từ Phòng nghiên cứu truyền thông chính trị của ĐH Florida Atlantic (Mỹ) thực hiện từ ngày 23 đến 25-8, bà Harris dẫn trước ông Trump với tỉ lệ 47% so với 43%.
Cuộc khảo sát toàn quốc, được tiến hành chỉ vài ngày sau Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, cũng cho thấy 53% phụ nữ và 45% nam giới ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân chủ. Cựu tổng thống Trump có 47% sự ủng hộ từ nam giới và 41% từ phụ nữ.
Kết quả thăm dò của YouGov tiến hành từ ngày 25 đến 27-8 cho thấy cựu Tổng thống Trump đang dẫn trước Phó Tổng thống Harris trong số các cử tri độc lập ủng hộ, theo tờ The Hill.
Theo kết quả, 42% cử tri độc lập cho biết họ có kế hoạch bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 này, trong khi 37% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho bà Harris. 13% cử tri độc lập cho biết họ không chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ai.
Bà Harris và ông Trump đều nhận được gần như toàn bộ sự ủng hộ từ các đảng phái tương ứng của họ. 95% đảng viên Dân chủ cho biết bà Harris có phiếu bầu của họ và 91% cử tri Cộng hòa cho biết họ có kế hoạch bỏ phiếu cho Trump.