“Tôi thật sự phục các cơ quan nhà nước về cái tài nghĩ ra các hành vi, vi phạm nhỏ để xử phạt người dân. Trong nhiều văn bản phạt khoảng 50 trang, thì có đến 45 trang kê những vi phạm của người dân, DN trong khi đó 5 trang còn lại thì dành cho Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước vẫn giành ưu đãi và quyền lợi cho mình, đẩy khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp”. Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định.
Cơ quan nhà nước luôn chọn “lợi cho mình”
Báo cáo sơ bộ đưa ra tại Hội thảo Cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, đại diện Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp (DN) đang phải mất 872 giờ để giải quyết các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan và bảo hiểm.
Như vậy, với yêu cầu của Chính phủ tại Nghị Quyết số 19/NQ-CP là trong năm 2015, bằng mọi biện pháp giảm số giờ giải quyết thủ tục hành chính của DN xuống còn 171 giờ, phần việc còn lại sẽ là rất nhiều, bởi 6 tháng đầu năm, chúng ta mới chỉ giảm được 108 giờ, còn 764 giờ nữa chờ đợi và thực sự là bài toán khó khi sự vào cuộc của nhiều bộ ngành còn “dửng dưng” – theo lời của TS, Nguyễn Đình Cung.
Hiện các vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính đang rất nhiều nhưng nhiều sự việc vẫn chưa được xử lý tận gốc. “Ngay cả Chính phủ họp thường kỳ hoặc làm việc với các bộ, tỉnh còn trực tuyến được, thì sao các bộ, ban ngành và cơ quan ngang bộ không làm việc trực tuyến để “ba mặt một lời” giải quyết dứt điểm từng vụ việc…”, bà Lan cho biết.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, những thủ tục phiền hà, phức tạp, thiếu kết hợp trong các cơ quan quản lý nhà nước, bản thân đó là vi phạm quy định vì đã đẩy lùi sự tốc độ cải cách thể chế dẫn đến chúng ta tự tạo cơ chế làm o bế hoạt động của doanh nghiệp. Dẫn chiếu ngay, “Tôi vừa nghe đại diện Bộ Tài Chính nói một cách “nài nỉ” đối với đại diện của Bảo hiểm xã hội ngay tại hội nghị này là làm thế nào để hai cơ quan có thể ngồi với nhau làm việc đây, tôi thấy nó kỳ cục quá”. Bà Lan khẳng định, việc thiếu kết hợp hay khó kết hợp để đồng thuận một giải pháp và cách thức xử lý các công việc liên quan đến hai cơ quan chuyên trách khiến cho nhiều việc không được xử lý triệt để.
Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đề cập đến các nhiệm vụ và giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Được thông qua vào tháng 3/2013, đây là “ý chí cải cách lớn” - theo lời chuyên gia Phạm Chi Lan đã được Chính phủ và giới chuyên gia đánh giá và kỳ vọng nâng cao khả năng cạnh tranh ở hai khu vực: doanh nghiệp và thể chế nhà nước đến hết năm 2015. |