Ba phương án giải quyết trạm thu phí BOT Cai Lậy

Ngày 14-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Bộ GTVT xác nhận đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dự án BOT trên quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).

Nghiên cứu ba phương án cho Cai Lậy

Bộ GTVT cho hay sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Trịnh Đình Dũng (tại cuộc họp ngày 19-6) về nghiên cứu các phương án tối ưu cho BOT Cai Lậy, bộ tiếp tục thực hiện nghiên cứu ba phương án xử lý bất cập tại trạm này.

Cụ thể, phương án 1: Giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm. Lúc này các phương tiện nhóm 1 (xe bốn chỗ) sẽ tiếp tục được giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt.

Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi miễn, giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận bán kính 10 km; giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.

“Theo tính toán, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm chín tháng. Bộ GTVT phân tích phương án này có ưu điểm là không phải bố trí ngân sách nhà nước hỗ trợ. Còn đạt mục tiêu quan trọng là phân luồng giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy. Nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn…” - vị lãnh đạo này khẳng định.

Phương án 2: Lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm. Lúc đó trạm trên QL1 sẽ thu phí 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư ở mỗi trạm khoảng 11 năm. Ưu điểm của phương án này là giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng phương án này phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng thêm trạm ở vị trí mới và chi phí tổ chức thu phí (khoảng 90 tỉ đồng - PV). Địa phương phải bố trí thêm diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) để làm trạm. Phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi trên QL1 do mức giá trên QL1 thấp hơn tuyến tránh, gây ùn tắc giao thông.

“Phương án này nhà đầu tư kiến nghị vừa thu phí vừa xây dựng trạm trên tuyến tránh vì kinh phí xây dựng trạm chưa có. Các ngân hàng từ chối cho vay thêm và thời gian xây dựng khoảng ba tháng kể từ khi có mặt bằng, trong khi công tác GPMB thường kéo dài 4-6 tháng” - vị này cho hay.

Phương án 3: Chỉ đặt trạm và thu phí trên tuyến tránh. Đồng thời, tổ chức phân luồng giao thông, nghiên cứu bố trí kinh phí khoảng 400 tỉ đồng vốn nhà nước để hoàn trả nhà đầu tư (tương ứng với chi phí đầu tư tăng cường mặt đường QL1 thị xã Cai Lậy).

“Phương án này đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận. Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận định lượng xe tập trung đi qua QL1 gây ùn tắc, phương án tài chính không đảm bảo... Đặc biệt, hệ lụy có thể lan rộng đối với các dự án tương tự và đặc biệt là Nhà nước phải bố trí ngân sách cho dự án, trong điều kiện này thì khó khăn bố trí được vốn…” - vị lãnh đạo phân tích.

Ba đơn vị đưa ra ba phương án

UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất xây trạm thu phí trên tuyến tránh để gỡ vướng cho BOT Cai Lậy. Ảnh: ĐH

Theo một nguồn tin, Bộ Công an đề xuất phương án 3 vì sẽ thuận lợi hơn trong việc đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, Bộ Công an kiến nghị nghiên cứu tính toán thật kỹ trong việc lựa chọn phương án nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Trái ngược lại, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị lựa chọn phương án 2, đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm phương án giá vé ở hai trạm như nhau và yêu cầu nhà đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trạm thu phí trên tuyến tránh mới bắt đầu thu phí ở cả hai trạm.

Trong khi đó, nhà đầu tư kiến nghị phương án 1. Trường hợp thu phí theo phương án 2, nhà đầu tư cho rằng cần cho phép vừa thu phí trạm Cai Lậy vừa xây dựng trạm trên tuyến tránh vì kinh phí xây dựng hiện chưa có. Thời gian này mất tối đa chín tháng (GPMB và xây dựng, lắp đặt thiết bị).

“Sau khi nghiên cứu các kiến nghị, Bộ GTVT nhận thấy ý kiến của Tiền Giang và Bộ Công an khác với ý kiến của Thủ tướng (giữ nguyên trạm thu phí và giảm phí). Vì vậy Bộ GTVT cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án thu phí hoàn vốn dự án…” - Bộ GTVT kiến nghị.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây giữa các bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT cơ bản thống nhất xây thêm một trạm ở tuyến tránh.

Về vấn đề này, chiều 14-10, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết: UBND tỉnh đã có đề xuất với Bộ GTVT và thống nhất phương án xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy (phương án 2). Tỉnh Tiền Giang đang chờ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư tuyến tránh Cai Lậy để thống nhất vị trí đặt trạm, sau đó sẽ GPMB bàn giao nhà đầu tư thi công xây dựng trạm trên tuyến tránh.

Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, đại diện Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang (nhà đầu tư dự án), sau khi có kết luận của Bộ GTVT, nhà đầu tư sẽ sớm khảo sát, thống nhất vị trí đặt trạm với địa phương. Khi có được vị trí, nhà đầu tư sẽ khẩn trương xây dựng trạm đúng chỉ đạo của Bộ GTVT. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2019 hoàn thành trạm và đưa vào thu phí trong dịp tết.

Trước đó, tại thông báo kết luận củathứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trong cuộc họp về phương án thu phí hoàn vốn đầu tư dự án BOT Cai Lậy, thứ trưởng giao Vụ Đối tác công tư, Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiến hành ngay các công việc cần thiết để triển khai thu phí theo phương án 2 (đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9 vừa qua).

Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương làm việc với địa phương và triển khai ngay việc phân luồng giao thông đoạn qua thị xã Cai Lậy đảm bảo phù hợp, đúng quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu dự án; khai thác hiệu quả tuyến tránh và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông... ở khu vực trung tâm thị xã Cai Lậy.

Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương xây dựng phương án, khái toán kinh phí đầu tư xây dựng mới trạm thu phí trên tuyến tránh thống nhất với địa phương vị trí đặt trạm… 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm